Lắng nghe thấu cảm là sự quan tâm đến người khác một cách sâu sắc ở bình diện cảm xúc và nhận thức. Hai nguyên tắc của lắng nghe thấu cảm:
- Tìm kiếm sự thấu hiểu trước khi được hiểu.
- Kết nối với cảm xúc của người nói, hiểu và chấp nhận người nói đang trải qua những cảm xúc gì bằng cách hỏi “bạn đang cảm thấy thế nào?” Đồng thời, liên tục kết nối với nhận thức của người nói bằng việc tóm tắt, phản hồi nội dung được chia sẻ và khơi gợi người nói chia sẻ thêm để mình có thể hiểu. Trong Giao Tiếp Trắc Ẩn, lắng nghe thấu cảm giúp người nói kết nối được với nhu cầu sâu xa bên dưới mọi cảm xúc và câu chuyện của mình.
Lắng nghe thấu cảm giúp người nói cảm thấy an toàn, được thừa nhận, có giá trị. Người nói được lắng nghe lại chính câu chuyện của mình và từ đó có thể giải quyết vấn đề của chính mình
Lắng nghe thấu cảm giúp người nghe trở nên bao dung, yêu thương, kiên nhẫn và trắc ẩn. Lắng nghe thấu cảm giúp phát triển tương quan tích cực, bày tỏ tình cảm, hỗ trợ chữa lành và quản trị nhân lực và giải quyết vấn đề thấu đáo.
8 cách thực hành lắng nghe thấu cảm:
- Dành thời gian: để tập trung vào người nói, để kiên nhẫn khi người nói trải qua những cảm xúc khó khăn và bối rối.
- Thấu cảm chứ không thương cảm (tội nghiệp), cũng không đồng hóa cảm xúc của mình với người nói. Để câu chuyện và kinh nghiệm của mình sang một bên.
- Ý thức về ngôn ngữ cơ thể để người nói cảm nhận được bạn đang tập trung, giữ giao tiếp mắt, cơ thể mở, tập trung & quan tâm. Ý thức khi mình trở nên mất kiên nhẫn để điều chỉnh. Tắt điện thoại.
- Giữ giải pháp của mình lại. Kiên nhẫn, lắng nghe, ghi nhận người nói. Có thể trao quyền cho người nói bằng câu hỏi “nếu bạn là tôi, bạn sẽ đề nghị gì?”
- Sử dụng câu hỏi mở, câu hỏi thấu cảm, câu hỏi bỏ lửng để người nói cảm thấy rõ ràng và tự ý thức về chính mình. Ví dụ: “trông bạn có vẻ buồn khi nói về ý này, điều này có ý nghĩa gì?” hay “nếu làm lại, bạn sẽ…”
- Hỏi thêm, để làm rõ cho đến khi người nói không cần bổ sung gì thêm cho câu chuyện
- Nhắc lại những điểm quan trọng bằng tone giọng gần với điều người nói đã diễn đạt sẽ giúp người nói được thấu hiểu và ý thức lại câu chuyện của họ.
- Cho phép sự im lặng diễn ra là cách bày tỏ sự hiện diện của bạn và tạo không gian cho người nói đi sâu hơn, chia sẻ sâu hơn.
Những điều không nên làm trong lắng nghe thấu cảm:
- Cắt ngang, dù bạn nhận ra mình có điều quan trọng cần thêm vào. Nếu thật sự cần cắt ngang để đảm bảo bạn hiểu đúng nội dung, hãy chọn lúc phù hợp.
- Tránh đi đến kết luận hoặc đưa giải pháp. Nếu thật sự cần làm, hãy ý thức về khả năng và ý định của mình trước khi làm.
Những ai mới thực hành lắng nghe thấu cảm sẽ gặp phải những khó khăn do phản xạ tự nhiên của thói quan lắng nghe cũ luôn (phán xét, kết luận, đưa lời khuyên, giải pháp) “chực chờ để hành động”. Vì vậy, việc giữ mình tỉnh thức, kiên nhẫn trong thời gian đầu sẽ khiến mình tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Đặc biệt, khi cơ thể mệt mỏi và bản thân đang trải qua những cảm xúc mạnh và khó thì lắng nghe thấu cảm sẽ khó khăn hơn nhiều. Đầu tiên, ý thức xem lúc đó mình có khả năng lắng nghe thấu cảm cho người khác không? Nếu không, hãy hẹn lại người ta lần khác.
Không phải chúng ta luôn cần lắng nghe đồng cảm, nghĩa là phải kết nối với cảm xúc của người kia liên tục. Trong những trường hợp giao tiếp công việc đơn giản hàng ngày thì lắng nghe chủ động (phản hồi nội dung để đảm bảo mình hiểu đúng ý người nói) sẽ giúp tiết kiệm thời gian và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Chúc bạn thực hành thành công.
Tham khảo:
- Huitt, W. (2009). Empathetic listening. Educational Psychology Interactive. Valdosta, GA: Valdosta State University. Retrieved [date], from http://www.edpsycinteractive.org/topics/process/listen.html
- Live Bold & Bloom (nd): https://liveboldandbloom.com/06/self-improvement/empathic-listening
- Marques, J., Dhiman, S., and King, R. (2011) Empathetic Listening as a Management Tool – Business Renaissance Quarterly;Spring2011, Vol. 6 Issue 1, p15
- Marshall, R. (2015) – Nonviolent Communication, 3ed