Đầu tiên, chúng tôi trân trọng biết ơn:
- Bạn Huỳnh Tịnh Hoài Nhân là người đã chắp bút cho Tên, Tagline và phần giới thiệu dự án “Tôi kể, Tôi nghe, Tôi thấu cảm”
- Bạn Nguyễn Ánh Nhi đã thiết kế banner đầu tiên cho dự án, banner hiện tại được bạn Lại Vân Huyền thiết kế tặng chương trình
Bạn thân mến, an ủi người khác thì dễ, nhưng chấp nhận người khác rất khó. Được nhận lời khuyên cho các vấn đề của mình thì dễ, nhưng được cảm thấy an toàn khỏi những phán xét thì khó. Những trạng thái đó: cảm nhận được điều người khác cảm nhận, chấp nhận người khác mà không phán xét, có thể không đồng ý với hành vi của một người, nhưng chấp nhận sự nhân bản trong tâm hồn họ… đó gọi là “thấu cảm”.
Và “thấu cảm” với chúng tôi không phải là một “thuật ngữ tâm lý” xa vời kiểu cách. Nó chỉ là đôi khi cần rất nhiều thực tập, nhẫn nại và quan sát. Đối với chúng tôi, cách thực tập thấu cảm tuyệt vời nhất, không gì bằng lắng nghe và kể ra những câu chuyện của nhau. Và từ thấu cảm, ta sẽ trắc ẩn.
Dự án “Tôi kể, tôi nghe, tôi thấu cảm” ra đời là để chúng ta có không gian an toàn cho việc thực tập lòng thấu cảm và trắc ẩn này. Là thực tập để được khơi dậy, nuôi dưỡng, chứ không phải học. Thấu cảm và trắc ẩn có sẵn trong mỗi chúng ta rồi.
Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn. Không phải là dạy bạn hạnh phúc, không phải là đưa ra lời khuyên cho những lựa chọn khó khăn, mà dùng góc nhìn Giao tiếp trắc ẩn để cùng bạn phân tích, quan sát, đặt câu hỏi cho các câu chuyện, giúp các bên nhìn thấy những cảm xúc và nhu cầu chính đáng của nhau.
Thấu cảm là một trong những nền tảng để xây dựng quan hệ tích cực, trong gia đình, tổ chức và xã hội. Kể cả trên bình diện công việc, nơi tưởng như chỉ quan tâm đến tính hiệu quả, năng suất, lợi nhuận… thì thấu cảm lại giúp gia tăng chất lượng dịch vụ khách hàng, thúc đẩy thành công của cá nhân và tổ chức.
Để cùng xây dựng không gian thực hành thấu cảm và trắc ẩn cùng chúng tôi, bạn có thể:
- Là người kể
Bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình, để được lắng nghe, để nhận được sự thấu cảm từ người lắng nghe, để bạn có thể tự thấu cảm cho chính mình. Câu chuyện của bạn sẽ được bảo mật.
Nếu bạn muốn cộng đồng được lắng nghe và thấu cảm cùng bạn, hãy cho chúng tôi biết. Câu chuyện sẽ được biên tập, phân tích lại dưới góc nhìn của Giao Tiếp Trắc Ẩn, chuyển thành file video hoặc audio để chia sẻ với cộng đồng.
Bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình tại đây: https://bit.ly/2Xym0r7 hoặc https://bit.ly/2Lrybi9
Hoặc đặt lịch để được lắng nghe trực tiếp:
– 6:30 – 7:30 sáng trong tuần: https://bit.ly/39cClnC
– 21:00 – 22:00 tối thứ Năm: https://bit.ly/3gNvyVu
- Là người nghe:
Nếu bạn được lắng nghe câu chuyện từ bất cứ kênh nào, đầu tiên bạn có thể dành cho người kể một khoảnh khắc hiện diện không phát xét. Thử đặt mình vào vị trí của chủ nhân câu chuyện, để cảm nhận họ đã cảm thấy thế nào trong tình huống đó. Bạn có thể bày tỏ sự thấu cảm của mình bằng việc gởi cho người kể một lời nhắn ở comment. Nếu có thể bày tỏ ý kiến của mình, tuy nhiên, trước tiên xin thể hiện bạn cảm nhận người kể đã trải qua điều gì, cảm xúc gì. Cuối cùng, thử quan sát có điều gì mới bên trong bạn khi cảm nhận những cảm xúc mà người kể đã trải qua.
Kênh podcast Hành Trình Hạnh Phúc chia sẻ những thư trải lòng được cho phép ghi âm và đọc lại cho cộng đồng: https://anchor.fm/hanhtrinhhanhphuc
- Người thấu cảm: là người kể, là người nghe hay bất cứ ai chọn đón nhận cảm xúc và nhu cầu của người khác một cách không phán xét. Ban đầu bạn có thể thấu cảm với những câu chuyện được kể qua dự án. Dần dần, bạn có thể thấu cảm với bất cứ ai, bất cứ câu chuyện nào bạn được nghe.
Vì một xã hội trắc ẩn và hạnh phúc hơn.
*Thông tin liên hệ dự án: giaotieptracan@gmail.com
*Thời gian diễn ra chương trình dự kiến: – Giai đoạn 1: đến hết 31.12.2020, việc kéo dài dự án sẽ tùy thuộc vào nguồn lực của dự án sau đó.
*Nhân sự dự án được giới thiệu tại đây
*Nguồn tham khảo chuyên môn:
Đức T.M, Trần (2016) Giáo Trình Tham Vấn Tâm Lý, NXB. Đại Học Quốc Gia Hà Nội
Krzisnik, R. (2013) ‘TEDx – Language for Global Citizenship’ . Available at: https://www.youtube.com/watch?v=zL1SGwRVByI
Mitchell, D. (2013) The power of understanding people: the key to strengthening relationships, increasing sales, and enhancing organizational performance, Hoboken, New Jersey: Wiley.
Miyashiro, M.R. and Colonna, J. (2011) The Empathy Factor: Your Competitive Advantage for Personal, Team, and Business Success, Encinitas, PuddleDancer Press.
Mosenzon, Y. (2014) ‘Chinese Minister story – YouTube’. . Available at: https://www.youtube.com/watch?time_continue=5&v=XEdcuT8hSHc
Zaki, J. (2019b) The War for Kindness: Building Empathy in a Fractured World, [ebook] Crown/Archetype. Available at: https://books.google.si/books?id=Bz11DwAAQBAJ