Bài đúc kết được viết bởi bạn Nguyễn Đặng Ái Dân từ vòng tròn thực hành ngày 11.07.2020
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ HIỆN DIỆN VÀ LẮNG NGHE TRONG GIAO TIẾP TRẮC ẨN
Trong cuộc sống, bạn đã từng có lúc nói những câu thế này không?
Trường hợp 1:
- Tại sao anh không chia sẻ điều gì với em mà lại nói với người khác?
- Có nói em cũng không hiểu.
Trường hợp 2:
- Mẹ à, con cảm thấy khó khăn trong việc…
- Mẹ thấy có gì đâu khó khăn, con phải làm ….
- Mẹ không hiểu con gì cả.
Trường hợp 3:
- Em mệt rồi, chúng ta dừng cuộc nói chuyện tại đây…
- Em làm anh cảm thấy không được tôn trọng…
Những câu nói này khá quen thuộc trong đời sống phải không? Tuy hình thức khác nhau, mối quan hệ khác nhau nhưng điều có một điểm chung : Không Hiểu Nhau
Sự thấu cảm, đồng cảm chỉ thành công khi chúng ta biết lắng nghe đúng: hiện diện thật sự trong cuộc đối thoại, rũ bỏ hết những suy nghĩ riêng, những phán xét, định kiến, cảm xúc, kinh nghiệm, lời khuyên…để tập trung đón nhận mọi quan điểm (có thể khác biệt) từ người nói
Tuy nhiên thực tế, chúng ta gặp một vài khó khăn trong lắng nghe
- Dồn nén cảm xúc
- Bị kích hoạt cảm xúc bản thân
- Chưa giải quyết được cảm xúc bản thân
- Mệt mỏi về thể lý
- Nghe thông tin nhưng không cảm nhận được cảm xúc
Thói quen, rào cản trong việc lắng nghe:
- Thiếu kiên nhẫn trong lắng nghe người thân
- Nghe lơ đãng, suy nghĩ về những chuyện khác
- Giả vờ nghe bởi vì “Phải” lắng nghe
- Chọn lọc nội dung nghe: chỉ nghe những điều mình quan tâm
- Nghe và phán xét, nhận định, khuyên bảo
- Những suy nghĩ buông xuôi: “chuyện này không đi đến đâu đâu”
Những áp lực tự tạo khiến việc Hiện diện – Lắng nghe sâu trở nên khó khăn:
- Mình phải hiểu bạn
Khi được ai đó trao niềm tin lắng nghe những bộc bạch của họ, chúng ta thường có thói quen mong muốn mình hiểu hết những điều họ nói. Điều này vô hình tạo nên một áp lực bản thân chúng ta “phải” nhớ, phải hiểu đúng đối phương. Tuy nhiên, khi lắng nghe với áp lực này, bạn sẽ rất mệt và dễ bị tập trung vào việc tỏ ra hiểu thay vì thật sự hiện diện cho bạn. Cởi bỏ áp lực phải hiểu, phải biết, bạn sẽ thấy dễ hiện diện hơn.
Diễn giải (Paraphrasing) lại thông tin mình nghe được, đặt câu hỏi xác nhận thông tin mình tiếp nhận có đúng ý người nói hay không. Trong quá trình diễn giải, người nói và người nghe giữ được sự hiện diện tốt hơn. Đây cũng là cơ hội để người nói nghe lại cảm nhận của chính bản thân mình.
- Mình có trách nhiệm đưa ra giải pháp, lời khuyên để bạn giải quyết các vấn đề này
Tương tự như tâm lý “mình phải hiểu bạn”, chúng ta cũng thường đưa lời an ủi, lời khuyên, giải pháp nào đó khi lắng nghe. Chúng ta cảm thấy rằng, nghĩ rằng chúng ta có trách nhiệm giải quyết các vấn đề mà đối phương gặp phải, hoặc trách nhiệm giúp đối phương cảm thấy tốt hơn
Hãy xác định rõ vai trò của mình trước khi lắng nghe đối phương: Bạn muốn mình lắng nghe bạn ở mức độ nào? Bạn có cần mình đưa lời khuyên giúp bạn hay không?
Ví dụ:
- Con cảm thấy khó khăn trong môn toán. Nó làm con tốn rất nhiều sức lực để học. Con không làm bài tập nhanh như các bạn khác…
- Bây giờ mẹ có thể hiểu được con đã vất vả thế nào với môn này. Mẹ có thể làm gì để con cảm thấy dễ dàng hơn không?
Việc hiện diện lắng nghe hoàn toàn có thể giúp người khác nhìn thấy sâu hơn vào vấn đề của họ mà không nhất thiết bạn phải đưa ra bất kỳ lời khuyên hay giải pháp nào.
Một số hoạt động bổ trợ giúp luyện Lắng nghe tốt hơn:
- Lưu ý và ghi nhận những cảm xúc khó phát sinh trong khi lắng nghe, ghi chú nhanh xuống giấy và tiếp tục mạch câu chuyện.
Ví dụ:
- Khi anh/ chị nói đến điểm này, tôi cảm thấy….
Tôi có thể trao đổi thêm về điểm này được không?
- Thừa nhận những lúc bị phân tâm
- Tôi xin lỗi vì vừa rồi tôi không tập trung lắm, bạn có thể nói lại điểm này…
- Tôi thật sự rất muốn lắng nghe bạn, nhưng tôi đang có vấn đề khác đang cần giải quyết, bạn có thể chờ tôi 5phút…
- Chú ý, quan tâm lắng nghe bên trong bản thân nhiều hơn
- Thực hành giờ biết ơn
- Nhận diện sự lơ đãng, nhắc nhở bản thân
- Nghe và đặt mình vào vị trí người nói
- Hỏi lại, phản ánh lại điều đã nghe (diễn giải, đề nghị)
- Dùng câu hỏi để xác nhận thông tin trong việc diễn giải, tạo cảm giác quan tâm, gợi mở cho người nói, giúp người nghe hiểu dễ hơn, đúng hơn nhu cầu người nói mà không gây phản ứng ngược.
- Chúng ta cũng có thể dùng câu hỏi để đề nghị, đo mức độ sẵn sàng tiếp nhận của người nói.
- Nghe ngôn ngữ không lời
- Thả lỏng, tĩnh tâm, thiền.
Chúc tất cả chúng ta luyện tập và hiện diện nhiều hơn, lắng nghe sâu hơn trong giao tiếp.