Ghi lại bởi bạn Trương Hoàng Phụng trong vòng tròn thực hành ngày 08.08.2020
Tham khảo chương 9 sách: Lucy Leu (2010) Nonviolent communication companion workbook
- Ghi nhớ sự đặc biệt và chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân
Ứng dụng quan trọng nhất của giao tiếp trắc ẩn có lẽ là để nâng cao sự thấu cảm đối với bản thân mình. Và để có thể trắc ẩn với chính mình tự đánh giá, ta cần luôn nhớ rằng con người này (mình) là đặc biệt và có khi không hoàn hảo - Mindfulness: quan sát cảm xúc, tâm trạng, và cả cảm giác cơ thể mình
Kết nối với cảm xúc của mình bằng lắng nghe bên trong, lẫn quan sát các dấu hiệu, cảm giác cơ thể vì cơ thể có khi biểu hiện rõ ràng trước khi mình, trong tâm trạng xao động, kịp gọi tên rõ ràng đó là (những) cảm xúc gì. Ví dụ như tay run, hơi thở gấp, tim đập nhanh, giọng to hơn/nhỏ hơn/cao hơn/thấp hơn bình thường, khả năng diễn đạt giảm… - Luyện tập giao tiếp trắc ẩn với chính mình: nhìn lại những lúc mình không hoàn hảo, chuyện gì đã xảy ra, mình đã chê trách hay thúc ép bản thân mình như thế nào, khi đó cảm giác của mình là gì, đằng sau những lời tự chỉ trích và cảm giác tiêu cực là những nhu cầu gì của mình chưa được đáp ứng.
Việc gọi tên ra được cảm xúc hay nhu cầu sâu bên trong của mình là gì cũng không dễ để thực hiện chính xác. Nên cần sự luyện tập, lưu ý của bản thân và trao đổi thêm.
Tôi minh họa thêm bằng 1 ví dụ dưới đây:
Tôi cùng một nhóm bạn học chung một khóa học online. Chúng tôi bàn nhau chỉ mua dưới một account thôi để tiết kiệm tiền. Bạn nào muốn lấy chứng nhận sẽ trả nhiều hơn các thành viên còn lại một ít là được. Chúng tôi đồng ý để bạn A, người muốn lấy chứng nhận, đề xuất phần của bạn ấy trước.
Bạn A đề xuất rằng bạn sẽ góp 10 đồng, phần còn lại chia cho các thành viên. Mỗi thành viên sẽ trả khoảng 7 đồng.
Sau khi bạn A nhắn tin, bạn B & C đồng ý với đề xuất trên. Tôi nhận thấy mình không hài lòng, tôi muốn trả 6 đồng. Đồng thời, tôi quan sát mình có những lời tự phán xét sau:
Số tiền chênh lệch không có nhiều, mình đừng xét nét dữ vậy. Các thành viên khác đã đồng ý rồi, mình đề xuất khác đi thì thêm rách việc.
Nếu tôi đồng ý ngay, tôi biết mình không thoải mái. Nếu tôi từ chối ngay, tôi sợ mình làm bạn buồn. Tôi quyết định nói bạn cho tôi vài ngày, tôi cần kết nối với chính mình để xem điều gì đang diễn ra bên trong tôi. Trong vài ngày đó, tôi vẫn đối diện với những lời tự phán xét mình ích kỷ và rắm rối, cho tới lúc tôi nhẩm “nếu mình không dễ thương thì cũng được mà”
Sau vài ngày, tôi nhắn cho cả nhóm rằng:
“Tớ nghĩ bạn A có lợi thế hơn về mặt chứng nhận và tiếp cận tài liệu. Tớ sẵn sàng hơn để được trả 6 đồng. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào sự sẵn lòng và khả năng tài chính của bạn A. Nếu bạn A không đồng ý thì tớ vẫn trả 7 đồng vì tớ đã bày tỏ xong và muốn học. Tớ bày tỏ cho chính mình chứ không nói giúp các bạn khác, các bạn có thể trả số tiền mà bạn đã đồng ý”
Bạn A nhắn tin cám ơn sự bày tỏ thẳng thắn và chân thành của tôi. Bạn đồng ý với đề nghị của tôi.
Ở đây, tôi nói về nhu cầu Bày Tỏ. Đây là điểm yếu của tôi trong nhiều năm. Nếu tôi tiếp tục ngại những phán xét của mình, tôi sẽ đồng ý với đề xuất (nhu cầu bày tỏ không được đáp ứng và tôi sẽ không vui). Nếu tôi đáp trả ngay lúc cảm xúc rất mạnh, sự bày tỏ có thể sẽ thô và gây tổn thương, sau đó tôi sẽ hối hận và lần sau thì dẹp luôn cái chuyện bày tỏ của mình. Vì vậy, tôi cần thời gian để kết nối, chấp nhận và thực hiện nhu cầu này trong sự ý thức.
Vài ngày, đó là khoảng thời gian tôi đã trải qua để thật sự kết nối với cảm xúc, sự tự phán xét, đánh giá của mình. Rồi từ đó, mới nhận rõ nhu cầu mà mình cần được đáp ứng rồi bày tỏ nó một cách rõ ràng và hài hòa nhất.
Chúc bạn từng bước thấu cảm và trắc ẩn với mình hơn.