Bài đúc kết của bạn Vũ Lê Vân Anh trong vòng tròn thực hành ngày 22.8.2020
Từ chối chưa bao giờ là việc dễ dàng. Cho đi và đón nhận lời từ chối luôn là điều có thể kích hoạt bên trong chúng ta rất nhiều những cảm xúc, niềm tin và những giả định mà chúng ta có thể gặp nhiều khó khăn để đối diện với chúng.
Có rất nhiều lý do diễn ra bên trong chúng ta để chúng ta khó cho đi sự từ chối và đón nhận sự từ chối.
Với những điều chúng ta không muốn, không thích, không phù hợp với giá trị và cách chúng ta lựa chọn để sống, nhưng dường như có điều gì đó ngăn cản chúng ta đến với sự chân thật bên trong mình để khi nói có là một CÓ THỰC SỰ và khi nói không là một KHÔNG THỰC SỰ.
Có thể chúng ta ko lắng rằng, nếu mình nói không, mình không có giá trị, mình không quan trọng, mình sợ bị người khác ghét mình, mình sợ điều họ sẽ nói về mình sau khi mình từ chối và sợ rằng sẽ mất mối quan hệ này và cũng có thể, chính bản thân mình chưa hiểu về mình, chưa biết được và kết nối được với những nhu cầu bên trong và về ranh giới của mình, nên mình không thể nói lời từ chối dù mình không muốn.
Trải qua một quá trình khám phá bản thân tự nhiên mà mình biết được nền tảng về việc không nói lời từ chối được là từ Fear Based và Guilt Based, dần dần, mỗi ngày mình càng thấy rõ ràng hơn về những ranh giới từ bên trong mình với những điều ở bên ngoài, mình kết nối và nhìn mình ngày một rõ hơn, ngày một nhanh hơn và trôi chảy hơn, mình sẽ dần mở bản thân mình để nói Không với sự chân thật và tôn trọng. Lúc đó, mình cũng thấy một điều rất hay là, khi mình nói không với một điều, là mình đang nói có với một điều khác. Và việc nói không – nói có, vừa tách biệt mà vừa đồng hành cùng với nhau. Bạn thân của chị A thường tìm đến với chị để chia sẻ về sự đau khổ của mình. Đến một ngày chị A thấy mọi thứ cứ tiếp diễn mà không tìm ra được lối thoát và chị A thấy điều này ảnh hưởng đến bản thân mình, đến năng lượng của mình trong khi mình cứ để tình huống ấy kéo dài, lặp đi lặp lại vì chị không thể từ chối bạn thân của mình. Rồi chị quyết định nói lời từ chối trong việc tiếp tục lắng nghe chia sẻ và nói với bạn của mình. Nó khó khăn và khiến mối quan hệ có chút căng thẳng nhưng chị thấy chị thoát ra được khỏi được suy nghĩ mình chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề cho người khác. Khi từ chối việc tiếp tục lắng nghe, thì là lúc đó chị nói có với mối quan hệ của mình với bạn bằng chia sẻ chân thành. Khi lắng nghe điều đó, từ bên trong mình nghĩ rằng chị A đã gửi đi một năng lượng của niềm tin tuyệt đối vào bạn mình có thể vượt qua được khó khăn và sự đồng hành ở bên bạn để bạn có thể tự đi trên con đường của mình. Điều đó thật tuyệt vời và mạnh mẽ.
Với người thân, với bạn bè, người yêu thường là những người mà càng gần gũi với mình thì càng khiến mình khó có thể nói không vì mình trân trọng họ, cũng lo lắng về việc họ sẽ bị tổn thương hay nghĩ ngợi và với những người càng gần gũi với mình thì mình cũng sẽ bị đào bới lên những giới hạn về niềm tin và sự sợ hãi một cách sâu sắc hơn. Nhưng đến khi học cách nói không với sự bình tĩnh và rõ ràng từ bên trong thì mối quan hệ lại càng được đẩy lên một nấc mới của sự gắn kết và sự tôn trọng. Và với năng lượng từ cảm xúc, suy nghĩ từ bên trong mình, người khác hoàn toàn có thể cảm nhận được điều đó. Và một điều mình thấy rất đúng và ý nghĩa là khi mình biết cách nói không với người khác, thì đó là lúc mình có thể dễ dàng đón nhận sự từ chối từ người khác. Mình suy nghĩ nhiều về điều này. Và rồi mình thấy là, khi mình nói không với người khác bằng sự chân thật thì mình sẽ gửi một tín hiệu rằng, mình tôn trọng mình, mình chân thật với mình và chính vì vậy, mình có sự tôn trọng ở bên trong mình. Và từ đó, chính từ giây phút mình tự xây dựng và chăm bón cho vùng đất đó bên trong mình thì mình sẽ có một món quà gửi tặng đến cho người khác chính là sự tôn trọng nhu cầu, suy nghĩ và mong muốn của họ bằng sự tôn trọng sẵn có bên trong mà mình đã dành cho mình, một cách tự nhiên và vô giá. Mình không thể cho thứ mà mình không có. Nhỉ 🙂
Để nhận biết rằng khi mình cho đi sự từ chối và đón nhận sự từ chối, mình có thể quan sát tín hiệu từ bên trong mình và từ thế giới bên ngoài qua phản ứng từ người đối diện. Cũng sẽ có lúc, mình nói bằng tất cả trái tim mình, hết lòng mình rồi nhưng với họ, quá là choáng ngợp để có thể đón nhận những điều đó ngay tại thời điểm ấy vì họ chưa sẵn sàng, thì lúc đó, chính việc mình đã hết lòng và chân thật với mình tại thời điểm xảy ra sẽ là điều giúp mình vững vàng vượt qua những khó khăn của mối quan hệ mà vẫn kiên định với quyết định của mình, bình an và không sợ hãi. Rất có niềm tin vào việc rồi mọi thứ vẫn tốt đẹp.
Cơ thể của chúng ta vô cùng kì diệu và đáng yêu. Nó cho chúng ta đủ thứ tín hiệu về điều chúng ta cần, chúng ta muốn nhưng mình có đủ lặng để nhìn giống như đủ bình tĩnh để quan sát một mặt hồ trong một khoảng thời gian với đủ sự thay đổi của màu sắc, độ lớn, nhỏ của những đợt sóng, với tác động của con người, của gió, của âm thanh…hay không? Mình từng quan sát bản thân về những lúc mình nói sự từ chối với bạn mình, người thân của mình, bạn học, thầy của mình và với chính mình. Trong một lần, tại nhóm học thiền của mình mọi người cùng nhau tổ chức đi chùa để thắp hương và muốn kết hợp đi cùng với cả thầy, các anh chị ở lớp trên và có cả lớp mình. Khi đó, có một phần bên trong mình nói là mình không muốn đi, mà muốn dành cuối tuần đó cho gia đình mình. Tự dưng lúc đó, mình ngồi im nghe mọi người nói và bên trong cảm thấy sợ hãi vì mình đang đi ngược với mọi người, sợ nói ra mọi người lại đánh giá và nghĩ rằng mình không có tinh thần tập thể và mình cũng cảm thấy tội lỗi vì mình không đi cùng mọi người. Chị ở lớp trên đã hỏi từng người một về việc có đi không, và mình cảm thấy thấp thỏm khi sắp đến lượt mình rồi. Chị hỏi đến bạn thân của mình, bạn thân của mình nói “ Không, ngày hôm đó gia đình em đi Sầm Sơn rồi, cả gia đình đi thì em lại không thể không đi được”. Mọi người rất đồng tình và ủng hộ làm mình tự dưng vẫn còn cảm giác sợ hãi và tội lỗi lại chèn thêm một “ em gái” ghen tị và một “ anh zai” tức giận vì nghĩ “ tại sao nó được ủng hộ còn mình thì không?”. Trong khi em nói ra, mọi việc xảy ra như thế nào còn chưa biết, mình giả định luôn trong đầu là khi mình nói ra mình không đi thì mình sẽ không được ủng hộ và yêu thương. Mình nhận thấy nỗi sợ về việc mình không được yêu thương khi không đáp ứng nhu cầu của người khác đã làm cản trở mình với việc kết nối với bản thân và tôn trọng nhu cầu của mình trong một thời gian dài. Hôm đó mình đã đánh bạo nói không vì mình thực sự rất muốn đến thăm bà ngoại của mình và muốn đến ngồi bóp chân cho bà. Và mình nhận thấy:
- Khi nói không với sự sợ hãi rằng người này sẽ bỏ rơi mình, rằng nếu mình không làm theo mình sẽ bị phạt, bị ghét bỏ và xa lánh thì ngay lập tức chân của mình sẽ hơi lành lạnh ở gan bàn chân, hơi thở có chút gấp gáp và hơi giữ lại thay vì với nhịp thở bình thường, mắt không dám nhìn thằng mà có xu hướng nhìn thấp hơn tầm mắt của người kia vì sợ bị phát hiện mình đang cảm thấy sợ, cảm thấy mất mặt và tay mình hơi đổ mồ hôi, phân cơ từ sau gót chân đến trên đùi có hơi căng cứng và ngón chân bám xuống sàn để tìm sự vững vàng.
- Khi mình nói không với sự ghen tị, vì mình ghen tị với những điều người khác có và mình từ chối vì mình ghen tị và tự ti với họ, nói không để thể hiện mình hơn họ và mình khác họ thì ngay lập tức cảm thấy có một sợi dây quấn lấy trái tim của mình và siết lại phần ngực bên trái, hơi thở nặng hơn bình thường và cảm thấy cơ thể bị lệch sang bên trái.
- Khi mình nói không với sự tức giận thì mình thấy mình thở nặng và to, nửa đầu của mình bên trên cảm thấy đau và thấy tắc nghẽn. Và mình thấy là khi mình nói không với tình yêu và sự rõ ràng bên trong, nó thực sự rất rõ ràng, nó không cần bất kỳ một sự đắn đo, lo nghĩ hay một sự giải thích nào cả vì nó đã rõ ràng rồi. Cơ thể nhẹ nhõm và bình thản và giữa lồng ngực sẽ có một cảm giác thư thái và ấm ấm, nghe nhịp tim rõ hơn nhưng là nhịp đập ở giữa ngực một cách cân bằng chứ không bị lệch sang bên nào cả và cảm giác đó rất thích thú, tuyệt vời.
Hành trình hiểu về bản thân, học về ranh giới của bản thân mình và biết cách nói không cũng sẽ giúp mình rèn luyện sự thấu cảm và nuôi dưỡng thấu cảm ở bên trong mỗi khi mình thấy rằng mình đã không thể nói không được và nhận biết bản thân mình ở những tình huống đó để biết cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình là gì. Đó là một hành trình không có điểm kết thúc. Và mình thấy việc nói không hay bất cừ một việc gì, năng lượng mình làm việc đó, năng lượng phía sau việc mình làm mới là điều quan trọng và mình tin rằng năng lượng từ yêu thương sẽ khiến việc nói không hay bất cứ điều gì diễn ra trong cuộc sống của chúng ta trở nên trọn và đầy. Sự nhận biết sẽ là một người bạn đồng hành yêu thương lắm 🙂
Love,
Vân Anh.