Viết từ vòng tròn thực hành giao tiếp trắc ẩn ngày 06.10.2020 do bạn Nguyễn Thị Kim Anh dẫn dắt
Thân mời bạn lắng nghe bản nhạc trong lúc đọc bài đúc kết
Tổn thương là điều gì đó hư hao, mất mát một phần, không còn vẹn nguyên như trước (Wikipedia)
Tổn thương cũng là điều một người đang cảm thấy, đang mong cầu, sợ hãi, khao khát, thiếu thốn…(Rosenberg, Marshall B., 2003).
Còn ở mình, tổn thương là gì?
Bày tỏ tổn thương là trình bày, làm sáng tỏ những gì thôi thúc, chất chứa trong lòng.
Bằng cách lắng nghe cơ thể, ngẫm nghĩ, khóc, cười, viết, nói với mình, nói với người, viết cho người,…
Lắng nghe cả những gì chất chứa đã bị kìm nén, dập tắt từ sự phòng vệ/bảo vệ của cơ thể.
Mình đã không nhận ra nó khi sự việc, tình huống đến. Mình đã cảm nhận một chút, đôi khi vài phần lúc đó.
Thật khó để tách biệt giữa mình và nó. Nó là một phần của mình hôm nay. Đâu đó giữa việc tự thức, tự biết và không bị cầm tù bởi nó.…
Với Kim Anh, một lần tổn thương khó thấy là điều gì đó từng mất tích trong lòng, như căn phòng trống tắt lịm mọi ánh đèn, cách đây 3 năm.
Mình không biết mất ở đâu, tìm điều gì, cho đến ngày, điều đó tự quay về, trong dáng hình của tình thương. Một giấc mơ, gặp lại, nước mắt rơi.
Lẽ nào tổn thương lần ấy khó và đe dọa đến mức nhận biết hay cảm nhận thôi cũng không an toàn, nên tâm trí đã vòng tay bảo vệ, tắt đi một phần cảm xúc, chờ ngày thắp lên? Mất một người không nghĩ mình thương đến thế. Đau, ngay cả khi đã trù bị chia lìa.
Điều gì vang vọng trong lòng khi mình mở lòng, mở trí để tỏ bày?
Mình có sợ không?
Mình có sợ đối diện với nỗi sợ không?
Sợ thông điệp khó “té ra mình không dễ thương, đẹp đẽ, sâu sắc, thiện lành, hết lòng…như người ta vẫn nghĩ”. Mong sao giữ được hình ảnh mình có giá trị trong lòng người.
Sợ nhìn thấy người chịu khổ đau, cô đơn, mất mát…, sao cầm lòng. Mong người nhiều bình an, triển nở, thỏa lòng hơn một chút.
Sợ những trách nhiệm. Mong cầu tự định đoạt. Khát khao tự do.
Từ trái tim người bày tỏ, cảm ơn bạn đã tin và dũng cảm chia sẻ. Chúc bạn một hành trình từ ‘nô lệ’, ‘khó chịu’, đến ‘tự do cảm xúc’ nhiều cảm thông, dù bạn ở đâu trong mỗi tình huống, mỗi tương giao.
• Nô lệ cảm xúc: Chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác (thấy mình là nguyên nhân hoặc muốn sửa/thay đổi người khác)
• Khó chịu: Từ chối chăm sóc cho cảm xúc và nhu cầu của người khác
• Tự do: Chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình, không phải của người khác, ý thức rằng mình không bao giờ đạt nhu cầu của mình trên sự trả giá bằng cảm xúc của người khác
Từ đôi tai người lắng nghe, cảm ơn bạn đã hiện diện với sự cảm thông. Mong bạn cho mỗi hành động bạn nhận được cảm xúc và thông điệp khó một cái nhìn hiền từ, bởi đó chỉ là kích thích, dẫn lối đến nguyên nhân ẩn giấu ở cách diễn giải và nhu cầu chưa được đáp ứng trong lòng người.
Chúc cho mỗi người không còn thấy lỗi lầm ở mình, ở người, mà chỉ còn sự thấu hiểu cho những cảm xúc, mong cầu, kỳ vọng đang kêu gào thảng thốt bên dưới mỗi hành động.
Mình không cần phải ‘róc xương’, hi sinh, chịu đựng, để ai đó ngoài mình mãn nguyện. Mình không để ai đó vật lộn với những kỳ vọng, thiếu thốn mình họ. Mình, đã có thể làm khác: thăm hỏi, diễn giải giúp họ nhu cầu, cảm xúc ẩn hiện đằng sau.
Mình tin có đủ nguồn lực để hai phía tìm được sự mãn nguyện, dựa trên tình thương, kết nối, ý thức về tự do trong những chiến lược/cách thức thỏa mãn nhu cầu. Một tinh thần chăm sóc cho nhau.
Nguyễn Thị Kim Anh