Mặc chiếc áo choàng BIẾT ƠN, nó sẽ nuôi dưỡng mọi khía cạnh trong đời bạn – Rumi
Wear Gratitude as a cloak, and it will feed every corner of your life – Rumi
Trong giao tiếp trắc ẩn, hình thức phổ biến của việc bày tỏ lòng biết ơn là ăn mừng (celebrate) những nhu cầu được đáp ứng. Tuy nhiên, vì bản năng sinh tồn, con người hay có xu hướng nhìn vào những điều chúng ta không đạt được nhiều hơn là ghi nhận những gì mình có.
Trong bài viết này, Dian Killian có kể rằng cha đẻ của Giao Tiếp Trắc Ẩn có đề nghị chúng ta viết nhật ký biết ơn mỗi ngày. Theo Rosenberg, biết ơn cũng thuộc nhóm nhu cầu cốt lõi và việc bày tỏ lời cám ơn chiếm gần 50% giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Ông chỉ ra rằng không có gì tuyệt vời hơn sự cống hiến cho đời và góp phần vào sự an lạc của người khác, và biết ơn là hành động ghi nhận sự cống hiến đó.
Khi bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta ghi nhận những nhu cầu quan trọng với mình đã được đáp ứng giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu trong cuộc sống.
Tuy nhiên, một mặt khác của lòng biết ơn chính là khi chúng ta thương tiếc (mourning). Thương tiếc là lúc ta nói về một sự đau thương mất mát nào đó. Dian nói về ví dụ trong đám tang, chúng ta nói về người quá cố với những phẩm chất của họ đã giúp chúng ta hài lòng, mãn nguyện. Giờ đây, những điều đó không còn nữa. Khi bày tỏ sự thương tiếc, chúng ta đồng thời thể hiện và ghi nhận những nhu cầu quan trọng của mình.
Một ví dụ khác về sự mất mát là khi chúng ta chấm dứt một một quan hệ thân mật với ai đó. Khi mối quan hệ tan vỡ, chúng ta thường cảm thấy đau đớn vì một con người hữu hình không còn hiện hữu bên cạnh mình nữa. Nhìn một cách sâu hơn:
- Vậy điều gì đã ra đi cùng với con người đó? Có thể là sự thân mật, sự hài hước, sự hòa hợp, sự chia sẻ những điều giống nhau, …
- Vậy điều gì đã không xảy ra khiến cho mối quan hệ này phải chấm dứt? Có thể là sự bình an, sự chấp nhận, hoặc sự tự do được là chính mình,…
Vậy chúng tôi đã làm hết cách để nhu cầu của mình và của nhau được đáp ứng chưa? Không chắc nữa, thậm chí có thể chúng tôi đã không nhìn thấy nhu cầu của mình một cách rõ ràng trong suốt chiều dài của mối tương quan.
Vì vậy, trong sự thương tiếc một mối quan hệ bị mất đi, tôi đồng thời ghi nhận và tôn vinh những nhu cầu quan trọng đối với mình. Bởi dù có ai đến và ai đi qua cuộc đời mình, nhu cầu của mình vẫn cần được đáp ứng để mình sống an lạc hơn.
P.S:
1. Tôi biết ơn bài viết của Dian Killian cho tôi chất liệu và cảm hứng để viết lại bài viết này. Bạn có thể đọc nguyên bài viết của cô tại đây.
2. Đã có rất nhiều bằng chứng khoa học về việc thực hành lòng biết ơn đóng góp vào sự hạnh phúc cá nhân. Bạn có thể tìm đọc nếu bạn cần thêm động lực để thực hành.