Một chút về Giao Tiếp Trắc Ẩn

Có một bạn hỏi tôi rằng “nếu một người cứ dùng quyền lực để áp chế người khác thì đó có phải một dạng bệnh tâm lý/ tâm thần không?”

Tôi không đủ kiến thức để có thể trả lời bạn với tất cả lăng kính khác nhau vốn giải thích khác nhau về con người. Ví dụ như có trường hợp một người được coi là bị “quỷ nhập” trong cộng đồng xóm đạo thì được BS tâm thần chẩn đoán là “tâm thần phân liệt”. Vì vậy, tôi xin giới hạn phần chia sẻ của mình dưới góc nhìn của Giao Tiếp Trắc Ẩn (GTTA)

Đầu tiên, GTTA không phân chia con người thành các nhóm như Tâm bệnh học. Marshall Rosenberg có chia sẻ ông từ bỏ con đường sự nghiệp tâm lý lâm sàng vì ông cho rằng hành động bạo lực là xếp ai đó vào 1 nhóm rối loạn vì người ta không cư xử như mình muốn (như trong video dưới đây vào khoảng 1:00)

Chúng ta có thể xem 1 ví dụ rõ hơn về cách GTTA giúp một người gỡ “nhãn” trầm cảm để nhìn vào những nhu cầu mà mình chưa được thỏa mãn. Và điều này giúp chữa lành.

Quay lại trường hợp 1 người thường dùng quyền lực để áp chế người khác, dưới góc nhìn của GTTA thì bởi vì “người đó nghĩ đó là chiến lược tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của họ”.

Bạn có thể phản biện: “nếu thông cảm cho họ vậy thì không lẽ mình đồng ý với hành động gây tổn thương của họ à?” Không bạn ơi, chúng ta thấu cảm với nhu cầu của người khác nhưng chúng ta cũng kiên quyết hành động vì nhu cầu an toàn và hài hòa của chính mình. Đó mới chính là tinh thần trắc ẩn bởi vì ta vừa thấu hiểu vừa sẵng sàng hành động để tạo ra điều tốt đẹp hơn.

Có thể bạn vẫn nghĩ “nhưng tất cả mọi người đều nghĩ như cũ, một mình tôi nghĩ khác thì làm được gì!” Đúng ra rất khó khăn khi suy nghĩ của mình khác với nhiều người xung quanh. Nhưng sau hết thì chính bạn sẽ chọn cách nghĩ nào giúp bạn sống bình an, hài hòa hơn với chính mình lẫn người khác.

GTTA không chỉ là một kỹ năng hay hình thức giao tiếp, mà nó còn là cách chúng ta chọn sống cuộc đời mình một cách tỉnh thức, có chủ ý. Để sống cuộc đời này, chúng ta tập trung vào 2 điều:

  • Tôi đang cảm thấy gì? Nhu cầu nào của tôi được hay chưa được đáp ứng?
  • Tôi có thể làm gì để đời này đẹp hơn?

Chúc bạn có thể làm cuộc sống mình đẹp hơn, hài hòa hơn.

TP. HCM 18.03.2021

Khuyên

%d người thích bài này: