Giao tiếp bạo lực là gì?

Vì Giao Tiếp Trắc Ẩn (GTTA) có tên gọi là Nonviolent Communication (NVC) – giao tiếp Phi Bạo Lực nên có những thắc mắc vậy Giao Tiếp Bạo Lực là gì?

Nếu bạn đọc tài liệu chính thức là quyển sách “Nonviolent Communication – The Language of Life” của Marshall Rosenberg bạn sẽ không thấy định nghĩa giao tiếp bạo lực bởi GTTA không ủng hộ việc phân loại tốt/xấu, đúng/sai, phải/trái. GTTA có đề cập đến từ “life-alienating communication” là những kiểu giao tiếp khiến một người tự cô lập mình với phẩm chất trắc ẩn bên trong mình cũng như sự trắc ẩn ở người khác.

Theo Leory (1974), bạo lực là những hành động gây tổn hại thể lý hoặc cảm xúc cho chính mình hoặc người khác. Theo định nghĩa này cộng thêm định nghĩa từ GTTA, chúng tôi đề cập đến 5 kiểu giao tiếp gây “đau” cho chính mình và cho người khác như sau:

  1. Nhóm CHẨN ĐOÁN: bao gồm sự chỉ trích, phán xét, phân tích, so sánh, kết tội.
    Ví dụ: đồ tâm thần, hay sao mình không bao giờ giỏi như anh ấy.
  2. Nhóm ĐÒI HỎI: người khác phải làm theo ý mình bằng việc đưa ra những đe dọa ngầm hoặc công khai.
    Ví dụ: Con không thương mẹ à? Nếu thương thì sao con không nghe lời mẹ?
  3. Nhóm ĐÁNH GIÁ: người khác xứng đáng hay không xứng đáng với những tiêu chuẩn nào đó mình tin tưởng
    Ví dụ: cái đồ trơ trẽn, bị vậy là đáng đời lắm!
  4. Nhóm ĐẨY TRÁCH NHIỆM: cho rằng những cảm xúc của mình, hành động của mình là do người khác gây ra
    Ví dụ: tôi phải làm như thế vì đó là nhiệm vụ, anh làm cho tôi giận tím người
  5. Nhóm ĐÁNH GIÁ THẤP trải nghiệm của người khác. Nhóm này được cô Miki Kashtan bổ sung từ kinh nghiệm dày dặn của cô với GTTA. Ở nhóm này, khi mình coi trải nghiệm của người khác là không đáng kể, hoặc mình từ chối hậu quả của việc làm của mình đến người khác cũng là hành động gây tổn thương.
    Ví dụ: bị vậy cũng bình thường thôi mà, hoặc “anh chỉ nói vậy thôi chứ anh đâu có ý làm em tổn thương đâu. Em đừng buồn nhe”

Ai nói với mình những lời trên, mình buồn. Thỉnh thoảng, mình cũng có thể nói với người khác như vậy, họ có thể buồn, họ có thể giận, họ có thể “từ mặt” mình luôn, chỉ đơn giản bởi đó là những lời đau lòng

Tham khảo:

  • Leory, H.P. (1974) The Psychology of Nonviolence, New York: Pergamon Press
  • Rosenberg, M.B. (2015) Nonviolent communication: a language of life,3rd ed., [Kindle] Encinitas, CA:PuddleDancer Press.
%d người thích bài này: