Mời bạn cùng làm quen với một trong số 3 người điều phối của khoá học Giao Tiếp Trắc Ẩn 101: Thấu tình, đạt ý – Nguyễn Hoàng Minh Khang, thông qua những chia sẻ về hành trình đã qua và mong muốn của Khang với Giao Tiếp Trắc Ẩn.

Bằng cách nào mà bạn biết tới Giao Tiếp Trắc Ẩn?
Mình biết tới giao tiếp trắc ẩn, hay giao tiếp bất bạo lực (nonviolent communication) thông qua quyển sách bất hủ của bác Marshall Rosenberg – Nonviolent Communication: A Language of Life. Có lẽ mình đọc nó vào đúng thời điểm, lúc mình đang chật vật với các mối quan hệ cá nhân. Quả thật là vừa khóc, vừa cười, vừa lặng người với quyển sách đó.
Sau đó thì mình tìm đọc, tìm nghe tất cả mọi thứ có thể được về giao tiếp trắc ẩn. Và mọi thứ lúc đó dĩ nhiên là miễn phí rồi. Giờ nhìn lại mới thấy, chắc là do bản tính mình keo kiệt, nên mình mới hướng về kho tri thức rộng lượng này chăng.
Tầm nhìn của bác Marshall, và cả cộng đồng những người thực hành giao tiếp trắc ẩn, là một thế giới nơi những nguồn lực sẽ tự nhiên được chảy về biển nhu cầu. Khi một người có cái gì đó để đổi chác cho người kia, có lẽ cũng giống như nước chỉ chạy qua chạy lại trên hai đỉnh núi vậy. Khi chúng ta nhận cái mình cần từ người có thể cho nó, mà không biết là đến khi nào mới có thể trả ơn, ví như được nhận những năm tháng trong bụng mẹ và trong vòng tay lúc mới sanh ra đời, thì mình nghĩ đó là nước được đổ về biển.
Với giao tiếp trắc ẩn, mình được nhận rất nhiều, từ kiến thức đến những vòng tay đồng hành. Vì vậy mình chỉ có thể nỗ lực chờ ngày biến thành mưa để được rơi trở lại.
Bạn thấy có gì khác đi kể từ khi thực hành Giao Tiếp Trắc Ẩn?
Trước đây mình từng nói với bạn mình rằng, trong đầu mình là 8 con ngựa hoang chạy về tám hướng, lực suy nghĩ của mình nó thừa như vậy đó. Suy nghĩ nhiều, tức giận nhiều, lo buồn nhiều, dù trên bề mặt thì vẫn rất OK nhé. Hồi đó mình sát thương nhiều người lắm, sau đó thì dùng đủ mọi cách để xử lý hậu quả trên chính bản thân mình, từ biện pháp thể lý đến tâm lý, v.v. Các biện pháp đó đều giúp ít nhiều, và giao tiếp trắc ẩn là một trong những cái giúp mình trường kỳ nhất.
Nhờ giao tiếp trắc ẩn, mình thấy mình tiến bộ mỗi ngày trong việc soi xét mình rõ hơn, ha ha. Mình biết cách ở lại với cơn giận, cơn buồn. Mình hiểu tường tận hơn tại sao mình yêu hay ghét một cái gì đó. Một ví dụ cụ thể, có những thứ ở người mình thương, mình thấy rất là gớm, như cạy mụn hay không giật nước bồn cầu chẳng hạn. Chỉ nghĩ tới thôi họng mình đã lợm rồi, dù mình rất thương người kia chăng nữa. Mới sáng nay mình đã ngồi xuống để thực sự lắng nghe cái cảm giác gớm đó, hỏi nó là nó muốn gì. Ngồi một lúc thì mình chợt nhận ra rằng, với người kia, có thể những thứ đó với họ là sạch! Lần đầu tiên trong đời mình thấy cái khả năng đó lộ rõ trong đầu mình, và thấy được rằng nó có lý! Rồi mình nhận ra, có những chuyện khác mình cũng ‘dơ’ thấy mồ! Tới đó thì mình cảm thấy sự khó chịu trong mình được giải tỏa phần nào. Thành thử, mỗi ngày lại là một cơ hội để làm bạn với chính mình.
Những mối quan hệ xung quanh mình cũng lành mạnh hơn. Cách đây 6 năm, mình không thể nào ở nhà, vì mình tin chắc rằng mình có nói gì đi nữa thì bố mẹ cũng không hiểu, và mình cũng không hiểu được bố mẹ. Bây giờ thì mình đã có thể cùng thảo luận về mọi chủ đề rồi, về tình yêu, cái chết, quá khứ, tương lai, …Ở công ty, mình giảm bớt thói gây hấn thụ động, có thể thành thực nói những điều mình suy nghĩ, quan ngại, mong mỏi, … với sếp và đồng nghiệp. Dĩ nhiên là trong mọi mối quan hệ, công sức của người bên kia cũng tương đương và đa số là còn nhiều hơn của mình. Những biến chuyển lành mạnh này không phải chỉ do mình mà nên. Tuy vậy, mình tin rằng, thông qua lăng kính của giao tiếp trắc ẩn, mình đã được thành thực hơn, dịu dàng hơn, với chính mình và người khác.
Mong muốn của bạn khi chia sẻ về Giao Tiếp Trắc Ẩn là gì?
Mình nhớ rất rõ buổi chiều đầu tiên mình ngồi nghe chương trình radio Conflict Hotline – tạm dịch là Chữa cháy Xung đột. Trong chương trình, hai người đang xung đột sẽ được một người thứ ba hòa giải. Bất kỳ ai cũng có thể gọi đến số đường dây nóng của chương trình, và sẽ được nhập vai trong chính cái mâu thuẫn mà mình đang gặp phải, và được thực tập cách xử lý mâu thuẫn đó. Hôm đó mình đã chép xuống từng dòng một của những cuộc hội thoại. Lần đầu tiên trong đời mình được nghe những lời mà trước nay mình luôn ao ước được nghe. Lần đầu tiên trong đời mình được biết những lời mà ước gì mình đã biết cách nói. Bao nhiêu đau khổ đáng lẽ đã không phải xảy ra.
Ước mơ duy nhất của mình cho người khác, khi thiết kế các khóa học hay vòng tròn thực hành giao tiếp trắc ẩn, chắc cũng chỉ có vậy. Giảm những đau khổ có thể giảm được trong cuộc sống này.
Ước mơ còn lại cho chính mình là, qua quá trình này, mình học cách sống đúng với tinh thần của trắc ẩn, hay giao tiếp bất bạo lực hơn. Liệu mình có thật sự tin rằng tất cả nhu cầu đều có thể được chăm sóc đầy đủ hay không? Liệu mình có sẵn sàng hợp tác, thay vì dựa vào thói quen thưởng, phạt, và cưỡng ép trên mọi bình diện hay không? Liệu mình có đủ dũng cảm để muốn cái mình muốn hay không?
Càng tìm hiểu thêm về giao tiếp trắc ẩn, mình càng cảm nhận rõ ràng rằng mình đang sống. Hy vọng sẽ gặp được thêm những người bạn cùng muốn sống với mình.