Chăm mình và chăm người trong vòng tròn

Vòng tròn là một phương pháp tương tác dựa trên một số cam kết chung của mỗi người tham gia. Trong không gian bình đẳng và tin cậy của vòng tròn, chúng ta được chia sẻ trải nghiệm thật của mình.

Phương pháp vòng tròn có thể được ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, trong cuộc họp công sở, trong lớp học toán, trong tiệc sinh nhật với gia đình, … Với mỗi trường hợp, các cam kết chung sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Nhóm điều phối của Giao Tiếp Trắc Ẩn (GTTA) thường sử dụng phương pháp vòng tròn, nhằm tạo cơ hội để người tham gia được đúc kết lại kinh nghiệm sống của mình, học hỏi thêm những góc nhìn mới từ người khác, cũng như thực tập các kỹ năng lắng nghe cùng nhau. 

Cam kết chung của vòng tròn

Trong các vòng tròn thực hành Giao tiếp trắc ẩn, các cam kết chung được thể hiện qua 4 lời mời về việc: 

  1. nghe trân trọng & nói chân thật, 
  2. chăm sóc mình & người, 
  3. bảo mật, và 
  4. thực hành

Trong các vòng tròn lắng nghe dành cho cộng đồng, thường có 5 cam kết chung về việc: 

  1. tôn trọng nhau, 
  2. lắng nghe bằng cả tấm lòng, 
  3. tin rằng mỗi người có những cách riêng để chăm sóc cho chính họ, và chúng ta không cho rằng mình nên khuyên nhủ, thay đổi, hay cố gắng cứu chữa người khác. 
  4. tin rằng chúng ta có thể quay vào bên trong để tìm thấy câu trả lời, và 
  5. bảo mật cho mọi thông tin được chia sẻ trong vòng tròn

Lưu ý về mục đích và chức năng của vòng tròn do GTTA tổ chức

Các vòng tròn lắng nghe được tổ chức bởi GTTA không thực hiện tham vấn hay điều trị tâm lý. Trong các chương trình trị liệu nhóm, những người gặp khó khăn tâm lý được phân nhóm theo các tiêu chí nhất định, và được hướng dẫn bởi một hoặc nhiều chuyên gia, nhằm giải quyết những khó khăn về suy nghĩ – cảm xúc – hành vi mà họ gặp phải. Các vòng tròn lắng nghe của GTTA không có những yếu tố trên.

Nếu bạn tự chấm điểm cho mình theo Thang đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS 21) và kết quả ở mức độ Vừa trở lên, hãy liên hệ với một chuyên gia để được tư vấn kịp thời. Nếu bạn nhận ra mình cần những can thiệp sâu hơn như: thuốc để ổn định giấc ngủ, khí sắc, tham vấn tâm lý, tham vấn gia đình hoặc điều trị dài hơi, hãy tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp bên ngoài các vòng tròn. Bạn có thể tham khảo một số thông tin hỗ trợ tâm lý ở cuối trang.

Chăm mình trong vòng tròn

Kể cả khi vòng tròn không có chủ đích gợi lên những tổn thương tâm lý, không thể phủ nhận rằng có một phần đông dân số nói chung đã trải qua những khó khăn trong mùa dịch COVID, chưa kể đến những khó khăn kéo dài do cấu trúc kinh tế, xã hội, nạn phân biệt đối xử, v.v. Chúng tôi cũng nhận ra rằng nhiều người đã có những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, đã chứng kiến hoặc trải nghiệm mất mát, đã và đang mang theo những sang chấn từ thế hệ đi trước và từ lịch sử. Tất cả những mất mát và khó khăn này có thể có cường độ khác nhau, và ảnh hưởng khác nhau lên đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân.

Trong vòng tròn, chúng ta chậm lại so với cuộc sống thường nhật. Chúng ta bắt đầu thực sự lắng nghe những câu chuyện của chính mình và của người khác. Chúng ta nhìn quanh. Đôi khi chúng ta thấy rõ những ai đang ngồi trong vòng tròn cùng mình. Đôi khi chúng ta nhớ lại một hình ảnh nào đó từ quá khứ, hoặc thấy một khía cạnh nào đó của chính mình mà trước giờ chúng ta không đón nhận, hoặc có một suy nghĩ lờ mờ nào đó trong đầu khiến chúng ta bất an. Những ký ức quá khứ, hoặc những diễn biến tâm lý, cảm xúc có thể chụp lên khoảnh khắc hiện tại.

Không gian của vòng tròn đủ sức dung chứa rất nhiều hình thái tương tác giữa người với người. Cấu trúc của vòng tròn cũng cho phép mỗi người tự nhận ra những điều cần thiết cho bản thân, kể cả những điều trước nay nằm trong vô thức. Khi chúng ta dần tích lũy kinh nghiệm, vòng tròn có thể hỗ trợ chúng ta nâng đỡ và tích hợp những khía cạnh phức tạp và đa dạng, vốn là tự nhiên ở con người.

Để cùng tạo ra và gìn giữ một không gian can đảm và tin cậy trong vòng tròn, chúng ta thực hành những Cam kết chung của vòng tròn. Ngoài ra, chúng ta cũng chăm sóc chính mình bằng Lăng kính Hiện tại. Chúng ta nhắc nhớ cho nhau rằng: cần theo dõi xem mình đang ở đâu khi mình đang ngồi trong vòng tròn. 

Lăng kính Hiện tại:

Chú ý đến những cảm giác trên cơ thể, và những suy nghĩ của mình. Hãy tự hỏi “Mình đang ở đâu?” Một cách để theo dõi xem mình đang ở đâu là để ý xem mình có đang hồi tưởng không, có thấy mình đang sống lại quá khứ, thấy mình đang lo âu về tương lai không? Cơ chế phản ứng chiến – biến – đông là tự động, nên có thể mình không nhận thức được liền là chuyện gì đang khuấy động bên trong. Khi nhận thấy phản ứng bên trong mình, hãy sử dụng các bước sau: 

  • Quay về khoảnh khắc hiện tại: Quay lại với cơ thể. Mình đang hít thở ra sao? Nhận diện xem mình có đang bị xao lãng hay kích ứng không? Mình đang ở trong quá khứ, tương lai hay hiện tại?
  • Tìm các lựa chọn khác nhau trong khoảnh khắc hiện tại: Viết xuống một điều gì đó mà lát nữa mình có thể quay lại xem xét. Tạm dừng và tách mình ra khỏi hoạt động mà cả nhóm đang làm. Nhắn tin cho một người bạn. Hít vào và thở ra sâu, chậm, bằng mũi, thở ra chậm rãi hơn hít vào. Luôn luôn tìm các lựa chọn khác nhau cho bản thân trong khoảnh khắc hiện tại.
  • Đưa ra lựa chọn hành động: Tất cả những gì được làm trong vòng tròn là lời mời, không phải là yêu cầu. Hãy hành động để điều chỉnh tình trạng dựa theo nhu cầu của mình, ví dụ: chuyển chỗ ngồi, đứng lên, đi qua đi lại, uống nước, tắt camera, …
  • Tạo lại nhịp điệu cho mình: Lắng nghe trí thông minh có sẵn bên trong mình. Nếu bạn lạc nhịp với chính mình và/ hoặc với người khác, nếu bạn cảm thấy phải cố gắng làm điều gì đó, nếu bạn cảm thấy mất tự nhiên hay khó chịu, nếu nhịp sinh học của bạn – chu kỳ ăn, ngủ, sạc hoặc tiêu hao năng lượng – bị gián đoạn, hãy để ý những dấu hiệu này, và dừng lại để ăn, uống, giãn cơ, v.v.
  • Tiếp tục theo dõi mình có đang ngắt kết nối hoặc phân ly khỏi những cảm xúc, cảm giác hiện tại của mình không, và tìm xem, ngay lúc này, mình có các lựa chọn nào?

Chúng ta cũng có thể cân nhắc việc nhờ người khác hỗ trợ. Chúng ta có cần ai đó làm gì để xoa dịu cảm xúc của mình? Hoặc chỉ cần một lời thấu cảm? Hoặc chỉ cần sự hiện diện thông qua ánh mắt hay cử chỉ, chứ không cần thêm gì khác?

Thông tin hỗ trợ tâm lý:

  • Thang đánh giá Lo âu – Trầm cảm – Stress (DASS 21) trên trang Booking Care với chức năng Đặt khám tư vấn với bác sĩ từ xa qua Video: https://bookingcare.vn/cam-nang/bai-test-danh-gia-lo-au–tram-cam–stress-dass-21-p177.html 
  • Đường dây nóng Ngày Mai (Điện thoại: 096 306 14 14): Dịch vụ miễn phí, cung cấp thông tin về sức khỏe tinh thần và tham vấn tâm lý trực tiếp qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Tiếp nhận cuộc gọi từ 13h00 đến 20h30 trong 5 ngày/tuần vào thứ Tư, Năm, Sáu, Bảy, Chủ Nhật.
  • Doanh nghiệp Xã hội Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần Menthy (Website: menthy.vn/lien-he, Email: hotro@menthy.vn, Điện thoại: 0909 472 427): Liên hệ để được kết nối với chuyên gia tâm lý phù hợp với vấn đề đang gặp.

Chăm người trong vòng tròn

Trong vòng tròn, tất cả những người tham dự đều được mời gọi chăm sóc cho chính mình và cho tập thể. Người đón vòng tròn là người tình nguyện theo dõi năng lượng chung của nhóm. Trải nghiệm của họ là một phép thử cho trải nghiệm của cả vòng tròn. Người đón vòng tròn, khi gặp một trải nghiệm khó, có thể hỏi cả nhóm: “Chúng ta có thể cùng chia sẻ về điều gì vừa xảy ra trong vòng tròn không?”. Khi không chắc chắn, họ có thể nói với người bảo hộ vòng tròn, hoặc với cả nhóm, về băn khoăn của mình: “Tôi không biết làm gì tiếp theo. Mọi người nghĩ sao?”. Vòng tròn luôn được vận hành bởi 3 nguyên lý chính: thay phiên nhau lãnh đạo, cùng chịu trách nhiệm, và tin cậy vào tổng thể.

Người bảo hộ vòng tròn là người tình nguyện điều hòa năng lượng chung của nhóm, bằng cách mời gọi những khoảng nghỉ. Khi họ ra dấu, đánh chiêng, gõ chuông, hoặc dùng bất kỳ cách trung tính nào khác để báo hiệu, mọi thứ trong vòng tròn dừng lại. Mục đích của khoảng nghỉ này là để mỗi người có một chút thời gian và không gian để xác định lại điều gì đang xảy ra bên trong mình ngay lúc đó. Khoảng nghỉ là một lời mời để mỗi người tự điều hòa lại hệ thần kinh của mình, nhận lại trách nhiệm với trải nghiệm của mình. Bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào có thể đề xuất một khoảng nghỉ và chia sẻ lý do đằng sau nó. 

Khi vòng tròn đang diễn ra suôn sẻ, đó chính là lúc để chúng ta làm quen với việc dừng lại. Ví dụ, khi đã hết một phần tư (rồi một nửa, rồi ba phần tư) thời gian, người bảo hộ thường mời gọi mọi người hít thở một nhịp, cùng nhìn lại tâm điểm của vòng tròn, và chuẩn bị tâm thế để lắng nghe tiếp. Bằng cách này, chúng ta tập làm quen với những khoảng nghỉ, và bớt nghĩ rằng cá nhân mình đang bị công kích khi được mời gọi dừng lại.

Ngoài ra, người đón vòng tròn cũng là một điều phối viên, và cần lưu ý thêm những điều sau.

Ý thức về quyền lực của điều phối viên/ giảng viên

Điều phối viên/ giảng viên cần:

  • Nhận thức được sự bất cân xứng quyền lực* giữa vai trò điều phối viên/ giảng viên và vai trò người tham gia
  • Nhận thức được sự mong manh của những người đang bước vào một môi trường mới lạ và tiềm ẩn nhiều cảm xúc
  • Có kiến thức cơ bản về sang chấn tâm lý, và hiểu rằng những người từng bị lạm dụng có thể không nhận thức được khả năng dễ bị tổn thương của họ
  • Chịu trách nhiệm trước những người tham gia về cách mình tiếp cận và hành xử trong nhóm và trong các mối quan hệ.

* Mối quan hệ giữa điều phối viên/ giảng viên và (những) người tham gia không bình đẳng vì:

Điều phối viên/ giảng viênNgười tham gia
hướng dẫn(phải tạo ra cấu trúc, khuôn khổ và bối cảnh cho chương trình)tham gia, cam kết bản thân
chuyển giao kiến ​​thức và kinh nghiệmhọc hỏi, tiếp thu
chất vấn những khuôn mẫu, thói quentự suy xét
đảm bảo không gian (chịu trách nhiệm về sự an toàn tinh thần và thể chất của tất cả những người tham dự)mở lòng với những diễn tiến của chương trình
tự chăm sóc sự mong manh của mìnhkhám phá sự mong manh của mình
có chủ ý thúc đẩy sự phát triển/ chữa lànhnhận hỗ trợ trong quá trình phát triển

** Sự bất cân xứng quyền lực trên cũng tồn tại giữa những người có thứ bậc và quyền lực cơ cấu khác nhau trong đội ngũ tổ chức chương trình, dù khó nhận biết hơn. 

Không gian bình đẳng và tin cậy của vòng tròn phụ thuộc vào ý thức của cả những người tham gia và những người điều phối. Mong rằng chúng ta có thể chuẩn bị tốt nhất cho bản thân trước khi bước vào vòng tròn. 

Tài liệu tham khảo:

  • Baldwin, C., & Linnea, A. (2010). The circle way: A leader in every chair. Berrett-Koehler Publishers.
  • Greenstreet, C., Kaplan, S. (2021) Trauma Informed Support and Stepping Away From Circle.
  • Hechenberger, M., Rzewuska-Paca, A., Warren, S. (2021) Sex and Intimacy at NVC Training: Intention, Framework and Requests.
  • Thông tin thảo luận của nhóm điều phối viên Vòng Tròn Việt Nam.
%d người thích bài này: