Cơn giận và Các Hệ thống Thống trị

Vào tháng 5 năm 1999, tiến sĩ Marshall Rosenberg mở một buổi đào tạo về Cơn Giận ở Anh. Một phần của nội dung hôm đó được ghi lại dưới đây.

Tiến sĩ Rosenberg là người sáng lập và Giám đốc Dịch vụ Giáo dục của Trung  tâm Giao tiếp Bất bạo động. Ông là tác giả quyển sách Giao tiếp Bất bạo động: Ngôn ngữ của cuộc sống.

Thi thoảng, Marshall sử dụng hình tượng Sói như một ẩn dụ cho thứ ngôn ngữ xa rời sự sống, thường dẫn tới bạo lực lên bản thân mình và người khác. Hình tượng Hươu cao cổ thì biểu trưng cho mô hình Giao tiếp Bất bạo động, Giao tiếp Trắc ẩn mà ông đã sáng tạo ra.


Đối với tôi, cơn giận là một chủ đề có tính chính trị [1]. Cơn giận không phải là chủ đề trọng tâm, và tôi quan ngại về việc chúng ta nghĩ về cơn giận như thể nó là một vấn đề phải giải quyết. Nghĩ về cơn giận như vậy thì giống hệt như một gã có thói quen hút thuốc lá trên giường và thường xuyên khiến cái bắt cháy. Gã thấy mấy cái chuông báo cháy đần độn suốt ngày reng ầm ĩ.

Gã đổi nhà liên tục vì chả muốn bị mấy cái báo cháy làm phiền thêm nữa. Với tôi, về nhiều mặt, cơn giận là cái chuông báo cháy. Cớ gì phải lo lắng và quan ngại về cái chuông báo cháy? Cơn giận không phải vấn đề. Vấn đề nằm ở những suy nghĩ đã tạo ra cơn giận.

Có những suy nghĩ củng cố những hệ thống thống trị. Khi sử dụng từ hệ thống, tôi muốn nói đến chính quyền, các tổ chức, cơ quan điều phối hoạt động của con người. Trong hai quyển sách “Quyền lực Tối thượng” và “Tương tác với Quyền lực”, nhà thần học Walter Wink viết rằng hệ thống thống trị là hệ thống mà số ít giữ lợi ích cho mình bằng cách kiểm soát số đông [2]. Trong hệ thống thống trị, bạn phải huấn luyện người ta nghĩ theo những cách củng cố hệ thống đó, để họ vừa khít với hệ thống.

Hệ thống thống trị đòi hỏi:

  1. Sự đè nén cái tôi
  2. Phán xét đạo đức
  3. Amtssprache (Các sĩ quan Đức Quốc Xã dùng từ này để gọi tên thứ ngôn ngữ quan liêu dùng để chối bỏ trách nhiệm, thường gồm các từ như “bắt buộc”, “phải”, “đó là lệnh/ lẽ thường”, …)
  4. Khái niệm cốt lỗi về chuyện “ai đó xứng đáng với cái gì”.

Vậy thì, cơn giận là kết quả, là cái chuông báo cháy, hú lên cho chúng ta biết rằng cách chúng ta đang suy nghĩ đang củng cố cho hệ thống thống trị, đang góp phần vào một trật tự thế giới đầy áp bức mà ta là một phần trong nó.

Tôi không muốn cơn giận biến mất. Như vậy thì khác nào gã nghiện hút thuốc liên tục chuyển nhà vì muốn tiếng chuông báo cháy biến mất. Tôi muốn thay đổi gốc rễ cách suy nghĩ của mình, để tôi không góp phần vào những hệ thống thống trị trên thế giới này nữa.

Các hệ thống đều huấn luyện con người suy nghĩ theo những cách sẽ duy trì hệ thống đó. Cách người ta được huấn luyện để giao tiếp với nhau rõ ràng là ảnh hưởng tới cách phát triển của con người.

Chúng ta được huấn luyện để trở thành những người tốt biết vâng lời, hoặc những tay bắt nạt. Khi bạn ở trong vị trí có thẩm quyền, bạn được bao biện cho việc bắt nạt. Bạn không tự gọi mình là kẻ bắt nạt, bạn gọi mình là người có thẩm quyền. Trong hệ thống thống trị, người có thẩm quyền được trao cho quyền lực hợp pháp để bắt nạt người khác thông qua những cơ chế chỉ định ai đó xứng đáng với cái gì. Những cơ chế này bao gồm hình phạt, phần thưởng, và các hình thức cưỡng chế khác buộc ai đó phải làm một điều gì.

Cách phát triển của con người rõ ràng là ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận về bản chất của con người. Bạn đang có những niềm tin nào về bản chất con người? Ta tin như thế nào thì sẽ tạo ra những hệ thống như thế ấy. Tôi thích những quyển sách của Walter Wink vì ông ấy phân tích năm ngàn năm lịch sử, và phát hiện một niềm tin về bản chất con người đã luôn được phổ biến rộng rãi. Đó là niềm tin rằng con người về cơ bản là xấu xa. Và nếu bạn nghĩ bản chất con người là xấu xa, sa đọa, đớn hèn, thì dĩ nhiên là bạn cần thiết lập những hệ thống nơi con người phải bị kiểm soát bởi những người có đạo đức hơn, như tôi và như bạn vậy! Và nói thật là tôi cũng hơi nghi ngờ về đạo đức của bạn đấy!

Một vấn đề của những hệ thống trên đó là phải quyết định được xem ai là người có đạo đức hơn, ai sẽ biết cách kiểm soát những người khác. Đã có một số những thí nghiệm để quyết định việc trên, chẳng hạn như viện dẫn ý trời, ý Chúa (ví dụ: vua là Thiên tử), hay viện dẫn rằng đàn bà và người nghèo không xứng đáng để nắm quyền, v.v. [2] Nhìn chung thì các hệ thống này đều đi theo một niềm tin nhất định về bản chất con người, và rằng họ phải được kiểm soát. Công cụ chính để kiểm soát là buộc họ nghĩ rằng họ chính là những sinh vật đớn hèn, không xứng đáng.

Những cơ chế cơ bản thường được sử dụng là gì?

Trừng phạt – khiến ai đó khổ sở. Để bắt ai đó thay đổi, hãy bắt họ ăn năn. Đầu tiên, phải khiến họ thấy rằng họ tệ hại như thế nào. Đó là lý do vì sao thứ đầu tiên một đứa trẻ được dạy nói, và phải nói tốt, là “xin lỗi”.

Để tôi diễn một vở kịch rối cho các bạn xem:

Ba/ Mẹ Sói: Nói “con xin lỗi” đi.

Sói con: Con xin lỗi.

Ba/ Mẹ Sói: Con không thật lòng xin lỗi. Ba/ Mẹ nhìn mặt con chả có gì là thật lòng biết lỗi cả.

Sói con (khóc): Con xin lỗi

Ba/ Mẹ Sói: Được rồi. Ba/ Mẹ  tha thứ cho con.

Điều bạn phải làm là khiến người ta cảm thấy tệ hại và phải ăn năn.

Đó là lý do tại sao, ở Mỹ, chúng ta gọi nhà tù là “nơi ăn năn đền tội (penitentiaries)”. Bạn phải khiến người khác nhận ra là họ xấu xa, vậy nên bạn cần một thứ ngôn ngữ làm được chuyện đó, bạn cần những phán xét đạo đức mô tả sự xấu xa hay tệ hại, với những từ vựng như: tốt, xấu, đúng, sai, bất thường, kém cỏi,…

Chúng ta có vô vàn từ vựng để biến một người trở thành người sai, kẻ xấu.

Có những nền văn hoá đã không đi xuống con đường đó, những cộng đồng nơi hầu như không có bạo lực. Ngôn ngữ của họ khác hẳn của chúng ta.

Khán giả hỏi: “Những nền văn hoá đó ở đâu?”

Marshall: Ai cũng muốn chuyển đến đó! May mắn là có rất nhiều.

Nhà nhân chủng học Ruth Benedict đã làm nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm đọc bài viết có tiêu đề “Đồng tâm hiệp lực – Những kiểu mẫu của những Nền văn hóa Tử tế” trên tạp chí Psychology Today, số ra tháng 6 năm 1970 [3]. Bà Ruth đã viết rất nhiều sách về chủ đề này từ những năm 1920. Bà tìm thấy những nền văn hoá [không bạo lực] ở khắp nơi trên thế giới. Ấy vậy mà khi mới bắt đầu nghiên cứu, bà đã không chắc liệu có tìm nổi một nền văn hóa nào như vậy hay không.

Về phần tôi, tôi có tương tác một chút với bộ tộc người Orang Asilie ở Malaysia. Tôi không bao giờ quên được điều mà người phiên dịch nói với tôi trước lúc bắt đầu làm việc chung. Anh bàn với tôi về cách dịch thuật. Anh nói là trong ngôn ngữ của họ không có động từ “to be” – tương đương với từ “là”, “thì” trong tiếng Việt. Ví dụ, họ không thể nói những câu như “Cô thật là tốt/ xấu” hay “Mày thì sai/ đúng rồi”.

Mất đi động từ “to be” như vậy thì không thể phân loại người khác được. Vậy thì bình phẩm về người khác kiểu gì đây? Nếu vậy chẳng khác nào tôi bị lấy mất đến 90% từ vựng của tôi rồi! Thế nên tôi hỏi: Nếu tôi nói câu “Mày thật ích kỷ!”thì người của bộ tộc các anh sẽ dịch ra kiểu gì?

Anh ta đáp, “Khó đó nha. Tôi sẽ dịch như thế này: Marshall nói rằng ông ấy thấy bạn đang lo cho nhu cầu của bản thân mà không lo cho nhu cầu của người khác.” Anh ấy tiếp lời “Trong ngôn ngữ của chúng tôi, ông nói với người khác điều họ đang làm và điều mà ông mong muốn họ làm khác đi. Trong đầu chúng tôi không nghĩ đến việc người khác là thế này thế kia”. Đoạn anh ấy dừng lại, nhìn tôi với tất cả sự chân thành, rồi nói “Vì cớ gì mà ai đó lại muốn dán một cái nhãn tên lên một con người cơ chứ?”

“Vì nếu không làm vậy thì ta không biết ai để mà trừng phạt,” tôi đáp. Trừng phạt là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với những bộ lạc và nền văn hoá này. Anh ấy nhìn tôi và hỏi “Nếu ông trồng một cái cây, và nó không lớn theo cách mà ông thích, ông có trừng phạt nó không?”. Ý niệm về sự trừng phạt ăn sâu vào tâm khảm đến nỗi chúng ta khó lòng mà hình dung được những sự lựa chọn khác. Nhưng ý niệm đó hoàn toàn xa lạ với những người không được giáo dục trong một nền văn hoá có tính hệ thống thống trị. Ở những nền văn hoá này, họ nhìn nhận những người gây tổn thương người khác như thế này: những người này không xấu, mà chỉ quên mất bản chất của chính mình. Cộng đồng sẽ mời họ vào một vòng tròn và nhắc họ nhớ về bản chất tự nhiên của họ, điều gì khiến chúng ta là những con người thực thụ. Những người này đã lỡ đứt rời khỏi sự sống và cộng đồng mang họ trở về.

Người dân Orang Asilie – Malaysia

Khán giả hỏi: Cho hỏi lại bộ lạc đó tên gì vậy?

Marshall: Orang Asilie. Thú vị ở chỗ, đó không phải tên họ, mà là cái tên mà những người Mã Lai quanh đó đặt cho họ, có nghĩa là “những người nguyên thuỷ”.

Người ta hay hỏi tôi: “Ông dạy ngôn ngữ Hươu cao cổ cho họ làm gì khi họ đã có riêng ngôn ngữ Hươu của họ?” Đáng buồn thay; họ đang làm điều đó tốt lắm rồi. Họ sống trong những khu rừng nơi cây xanh có giá trị kinh tế rất lớn với thế giới bên ngoài, nên giờ mấy công ty khai thác gỗ đang xâm lấn vô không gian của họ. Họ không biết làm sao để nói ngôn ngữ Hươu với những người đang nói ngôn ngữ Sói. Họ có một thượng nghị sĩ đại diện cho 60,000 người. Ở Malaysia người ta có biết đến công việc của tôi. Thượng nghị sĩ này hỏi tôi rằng liệu tôi có thể giúp gì không. Ông ấy bảo: “Ông biết không, có những tư vấn viên sẽ chỉ chúng tôi cách xài súng ống, không thiếu những cách như vậy, để giữ đất.” Người thượng nghị sĩ hy vọng có cách khác.

Trở lại với cơn giận. Tôi hy vọng bạn bắt đầu thấy rằng cơn giận không phải là vấn đề. Với tôi, vấn đề là ở cách suy nghĩ. Một quan điểm thấm thía của Walter Wink là: để duy trì các hệ thống thống trị, bạo lực cần phải trở thành một thú vui.

Bạo lực trở thành một thú vui

Bạo lực phải trở thành một thú vui thì các hệ thống thống trị mới vận hành được. Bà Bob Kandeh, người dành hơn 20 năm cuộc đời để đấu tranh vì quyền phụ nữ ở Sierra Leone biết rõ điều này [4]. Để những người trẻ ở Sierra Leone thích thú với việc chặt đứt tay của mấy người trẻ khác, bạn cần dạy họ cách suy nghĩ rằng, làm thế là đang cho mấy người đó cái mà họ xứng đáng được nhận. Tại mấy người đó hùa theo chính quyền đó mà. Khi bạn thật sự có thể biện minh vì sao người khác là xấu xa, bạn có thể tận hưởng sự đau khổ của họ.

Ở Mỹ, vào khung giờ mà mà trẻ con xem tivi nhiều nhất, từ 7 đến 9 giờ tối, 75% chương trình tivi có hình ảnh những người hùng giết hoặc đánh bại ai đó. Thế nên vào độ tuổi trung bình là 15, trẻ con đã được xem hơn ba mươi ngàn cuộc đánh đấm và giết chóc thực hiện bởi những người tốt. Điều này ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta như thế nào? Và vào lúc nào trong phim thì những cuộc ẩu đả và giết chóc diễn ra? Vào thời khắc đỉnh cao của phim. Chúng ta [được dẫn dắt] để nếm trải một niềm hưng phấn cao trào từ bạo lực. Cái đó không chỉ xảy ra trong tivi đâu, mà, theo Walter Wink, nó đã xảy ra suốt năm ngàn năm rồi.

Điều gì xảy ra khi chúng ta cho trẻ em xem những thứ này với một tốc độ dày đặc? Nó tệ như việc chúng đến nhà thờ hay giáo đường hàng tuần để nghe những triết gia tư-duy-Sói, những người dùng những quyển sách tốt để biện minh cho sự cần thiết của việc dùng bạo lực để trừng phạt cái ác. Một tuần một lần đã đủ tệ rồi. Điều gì sẽ xảy ra khi cách tư duy đó xoẹt qua lại trước mắt trẻ con mỗi ngày một cách rất nghệ thuật, vào những năm đầu đời của trẻ? Bạn thấy đó, ta phải làm cho bạo lực thành ra một thú vui, có thể thưởng thức được. Nên cơn giận dữ chỉ là cảm xúc hệ quả của điều này. Tôi mừng vì chúng ta ở đây để xem xét cơn giận, vì việc giải phóng mình khỏi cơn giận có ý nghĩa như việc giải phóng mình khỏi những hệ thống này. Việc đó cần ta thay đổi gốc rễ cách suy nghĩ. Ta hồi sinh cho chính mình, vì sống theo cơn giận cũng chẳng khác gì đã chết. Mọi người thường thấy bất ngờ khi nghe điều này. Họ gào lên “Lúc tôi giận là lúc tôi nhiều sức sống nhất!” Không như vậy đâu! Bạn chỉ có rất nhiều adrenaline chạy trong người mà thôi. Tôi không gọi đó là sức sống. Tôi tin khi chúng ta tràn đầy sức sống khi kết nối được với sự sống. Chúng ta có thể kết nối với sự sống khi được tập luyện để nghĩ theo hướng nuôi dưỡng sự sống.

Hệ thống nuôi dưỡng sự sống

Bây giờ hãy đối chiếu hai hệ thống, hệ thống thống trị và hệ thống nuôi dưỡng sự sống. Sự sống vận hành như thế nào?

Chúng ta có những nhu cầu, mọi sinh vật đều có những nhu cầu, và chúng ta có một hệ thống chuông báo hiệu tuyệt vời, báo cho chúng ta biết khi nào nhu cầu của mình không được đáp ứng. Chuông báo này là cái gì? Là một hệ thống động lực thường gọi là cảm xúc. Trong quyển sách Trí tuệ Cảm xúc, Daniel Goleman chỉ ra rằng chức năng tự nhiên của các cảm xúc là báo cho ta biết khi nào thì những nhu cầu của ta không được đáp ứng. Ví dụ, nếu cầu thực phẩm của tôi không được đáp ứng, mà tôi lại không có cảm xúc hay cảm giác gì, thì tôi chết đói. Có một số người có vấn đề về dây thần kinh, họ thò tay vào lửa có nóng hay không họ cũng không biết. Thế nên cảm giác, cảm xúc rất quan trọng. Nó huy động chúng ta hành động để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Khi nhu cầu được thỏa mãn, chúng ta có những cảm xúc dễ chịu để ăn mừng điều đó. Đây là một hệ thống tự nhiên. Chúng ta chính là một hệ thống nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta muốn phụng sự sự sống. Chúng ta sẽ muốn luyện tập cho con người suy nghĩ theo cách này, suy nghĩ với các khái niệm về cảm xúc, về nhu cầu và những hành động giúp đáp ứng nhu cầu [thay vì các khái niệm về xứng đáng, khen thưởng hay trừng phạt].

Đây là cốt lõi của Giao tiếp Trắc ẩn (còn gọi là Giao tiếp Bất bạo động hay NVC – Nonviolent Communication). Nếu bạn muốn nuôi dưỡng sự sống, bạn sẽ muốn xây dựng những hệ thống có tính nuôi dưỡng. Chúng ta cần tỉnh táo trong từng khoảnh khắc. Chúng ta cần thông minh như những nàng ong và chú chó – luôn kết nối với sự sống. Chắc là việc có quan điểm này kia về tình trạng của thế giới thì cũng ổn thôi. Nhưng nếu chúng ta đang sắp chết đói, thì cần cho thức ăn vào trong hệ thống đi chứ hả. Hãy tập trung hết cỡ nhận thức của chúng ta vào những nhu cầu rất con người, vào cảm xúc, vào những hành động giúp đáp ứng nhu cầu. Tức giận là một cảm xúc, và tức giận nói với chúng ta rằng có một thứ ung nhọt đang xâm lược hệ thống của mình, [tức con người mình]. Chúng ta đang có một nhu cầu nào đó bị thiếu đói, vì vậy mà các cảm xúc xuất hiện. Nhưng cách mà chúng ta đang suy nghĩ [với các khái niệm về xứng đáng, khen thưởng hay trừng phạt], thì lại đang đầu độc hệ thống tự nhiên của con người ta [thay vì nuôi dưỡng nó]. Tức giận, và mấy anh chị em của nó gồm trầm cảm, tội lỗi và xấu hổ, tất cả đều là một phần của những hệ thống thống trị.

Cơn giận nói cho chúng ta biết rằng: ta đang nghĩ kẻ xấu xa là ai đó khác. Khi ta trầm cảm, tội lỗi và xấu hổ: ta nghĩ rằng mình chính là kẻ xấu. Đây là những cảm xúc sinh ra từ cách tư duy của những hệ thống thống trị.

Ghi chú của người dịch (không nằm trong bản gốc):

[1] Tính chính trị ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, là về ảnh hưởng và tương quan quyền lực sự ảnh hưởng của cá nhân trong một nhóm – cộng đồng. Chính trị có thể xảy ra ở trong một cặp đôi, một gia đình, tổ chức hay ở một đơn vị cộng đồng như làng, xã, quốc gia.

[2] Tựa của hai quyển sách “The Powers That Be” và “Engaging the Powers” của Walter Wink được tạm dịch ra là “Quyền lực Tối thượng” và “Tương tác với Quyền lực”. Bạn có thể tham khảo một số ý chính trong quyển “The Powers That Be” tại đây: https://hungryhungryhippos.wordpress.com/2006/08/17/chapter-three-the-powers-that-be-walter-wink/

[3] Bạn thể tìm đọc một số ghi chú về những nghiên cứu của nhà nhân chủng học Ruth Benedict tại đây: https://anthrosource.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1525/aa.1970.72.2.02a00060

[4] Tham khảo về cuộc đời hành động vì quyền phụ nữ của Haja Marie Bob Kandeh tại đây:

https://www.giraffe.org/haja-marie-bob-kande

Nguồn: cvnc.com – Trung tâm Giao tiếp bất bạo động.

Dịch và biên tập: Khang Ng. và May L.

Đăng bởi liumay25

cô đốt đuốc.

%d người thích bài này: