“Nếu đưa ra cho con người 2 lựa chọn – một là sống cách cũ trong mâu thuẫn quen thuộc, hai là sống cách mới với những giải pháp chưa hoàn toàn nhìn rõ – đa số mọi người sẽ chọn phương đầu tiên.” [1]
Đa số chúng ta đều mong những mối quan hệ xung quanh mình tốt lên. Tuy nhiên, đa số chúng ta thường không có đủ nguồn lực – thời gian, vật chất, sức khỏe thể chất và tinh thần, thông tin, trải nghiệm chung, v.v. – để có thể hiện thực hóa mong muốn đó. Phương pháp hoà giải là một trợ lực cho bạn trong mối quan hệ của mình. Bạn có thể tự áp dụng một số công cụ chính của phương pháp hoà giải, hoặc làm việc với một hoà giải viên, để có thể tạo ra những giải pháp mới cho mâu thuẫn của mình.
1. Làm chủ nhu cầu của chính mình:
Trước khi bắt đầu liên lạc với (các) bên còn lại, quá trình hòa giải mời gọi mỗi cá nhân trả lời một số câu hỏi cơ bản sau:
- Trong góc nhìn của tôi, thì chuyện gì đã và đang xảy ra? Đâu là những vấn đề trọng yếu?
- Nhu cầu thật sự của tôi là gì? Những vấn đề trên ảnh hưởng tới tôi và nhu cầu của tôi như thế nào?
- Tôi muốn (những) vấn đề trên thay đổi ra sao?
- Để thay đổi đó xảy ra thì cần gì từ (những) người kia?
- Để thay đổi đó xảy ra thì cần gì từ chính tôi? [2]
Trong một số phiên hoà giải, và cả phần chuẩn bị cho hoà giải, nhiều người giật mình khi nói ra nhu cầu của mình. Có thể trước giờ tôi là tuýp người “cho đi” trong một mối quan hệ, và nhu cầu công bằng hay được quan tâm đã bị đè nén rất lâu. Có thể những nhu cầu – về tình dục, tự do, hay bày tỏ cảm xúc thật, v.v. – trước giờ luôn được dán cái nhãn “ích kỷ” hay “đáng xấu hổ”. Có thể tôi chưa bao giờ thừa nhận tôi đang mâu thuẫn với chính mình khi vừa muốn A, vừa muốn B. Việc lập một danh sách những thứ mình muốn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, là bước đầu tiên để có một mối quan hệ lành mạnh.
Bước vào một phiên hoà giải, đa số mọi người đều rất rõ họ muốn BÊN KIA làm gì để nhu cầu của họ được đáp ứng. Tuy vậy, cách “chắc ăn” nhất để giảm thiểu đau khổ là biết rõ hơn những gì CHÍNH MÌNH có thể làm trong mối quan hệ với người kia. Điều này đòi hỏi chúng ta suy nghĩ chiến lược hơn về những nhu cầu của mình:
- Tôi đoán rằng bên kia muốn (những) vấn đề trên thay đổi ra sao?
- Tôi có thể làm gì để giúp bên kia hiểu đúng và mở lòng với góc nhìn của tôi dễ dàng hơn (trong và ngoài khuôn khổ của phiên hoà giải)?
- Tôi đã phải trả giá như thế nào cho những việc tôi đã làm/ không làm trong mối quan hệ này? Điều gì đã khiến tôi chọn làm/ không làm những việc đó? Tôi cần gì để có thể làm khác đi?
- Có điều gì mà tôi có thể cân nhắc thoả hiệp hay từ bỏ không?
- Nếu thoả thuận mà tôi mong muốn không xảy ra, thì tôi có thể làm gì để tự đáp ứng nhu cầu của chính mình?
- Trong một phiên hoà giải, các bên sẽ cùng tạo ra và so sánh những phương án khác nhau. Vậy, (những) phương án thay thế tốt nhất của tôi là gì? [2]
Một người vợ, khi được khuyến khích suy nghĩ về những cách khác mà cô có thể chủ động làm trong trường hợp không nhận được điều kiện trợ cấp nuôi con như cô mong muốn, đã đề xuất chồng mua gói bảo hiểm cho con chung với gói của chồng để bù đắp cho khoản trợ cấp thấp hơn. Một chủ doanh nghiệp, khi thấy đối tác của mình không còn khả năng chi trả phần hùn vốn cho khoản hợp tác đầu tư bất động sản như ban đầu, đã chủ động đề xuất chia lại quyền hạn sử dụng bất động sản đó, thay vì huỷ bỏ hợp đồng.
Trong cả hai trường hợp trên, các đề xuất sáng tạo này đã không hề xuất hiện cho tới khi những câu hỏi trên được đặt ra. Việc bước vào thảo luận với sự chuẩn bị chiến lược không chỉ giúp nhiều nhu cầu có thể được đáp ứng hơn, mà còn giúp chính bạn bình tĩnh và sáng suốt khi câu chuyện đi chệch khỏi mong muốn của mình.

2. Nói thật và Nghe thật:
Bạn tôi từng kể rằng, anh ấy đứng ở bến xe buýt và thấy hai người đang cãi nhau. Họ đứng cách nhau chỉ 50 cm, nhưng họ gào lên với âm lượng mà người đứng cách đó 3 m cũng có thể nghe được. Tại sao một người phải gào lên, hoặc lặp đi lặp lại, một điều gì? Đó là vì họ không cảm thấy đối phương đã thật sự nghe được họ. Nếu họ an tâm rằng đối phương hiểu đúng họ, thì không việc gì phải tốn sức như vậy. Và đôi khi, sau nhiều tháng năm, họ không còn sức để muốn nói thêm bất kỳ điều gì nữa.
Phòng hoà giải là nơi chúng ta được nói và được nghe. Đặc biệt, chúng ta được nói thật những điều trước giờ có thể không dễ nghe – cho người khác và cho cả chính mình. Chúng ta được hỗ trợ để nghe những gì người khác đang thật sự nói – ẩn sâu trong những câu từ quen thuộc.
Nói thật:
“Mục đích căn bản của hoà giải là để tạo ra một chuỗi phản ứng hoá học trong tầm kiểm soát. Trong “buồng phản ứng” của phiên hoà giải, mâu thuẫn được cho phép bùng nổ hay sụp đổ mà không làm hại đến các bên tham gia.” [1] Do đó, vai trò đầu tiên của hoà giải viên là tạo điều kiện để các bên được nói thật.
Một người mẹ từng chững lại khi được hỏi, “Cô có chắc là cô có thể nói ‘không’ với đứa con này của mình?”. Một cặp vợ chồng đã dành nhiều tháng để tranh cãi xem ai là người giám hộ hợp pháp cho đứa trẻ, mà chưa bao giờ nói với nhau vì sau quyết định đó lại quan trọng với mỗi người đến vậy. Hai người bạn thân trở thành đối tác làm ăn phải đối mặt với việc một người đã lợi dụng người kia. Đôi lúc, sự chân thật cho ta thấy những ý định đẹp đẽ, những hy sinh thầm lặng. Đôi lúc, ta vội muốn che đi sự thật trần trụi trước mắt mình. Nếu bạn chọn thành thực trong một phiên hoà giải, thì khi kết thúc, có thể các bên không còn đi chung đường, nhưng bạn sẽ bước đi với sự sáng rõ hơn, sẵn sàng hơn cho những mối quan hệ thật.
Nghe thật:
Con người ta thường chỉ nói dối khi sự thật là không an toàn. Có nhiều lý do khiến cho sự thật trở nên không an toàn; một trong số đó là nỗi e ngại của chúng ta về phản ứng của đối phương khi nghe. Trong phần đầu của phiên hoà giải, hoà giải viên đóng vai trò như một “trạm trung hoà điện lực”. Các bên không ném những mũi tên điện vào mặt nhau (tức không nói chuyện trực tiếp với nhau), mà ném về trạm trung hoà (tức kể phần chuyện của mình cho người hoà giải). [3] Hòa giải viên có nhiệm vụ đón nhận thông tin và ghi nhận cảm xúc, nhu cầu của người vừa ném mũi tên. Điều này giúp trung hoà bớt những cảm xúc mạnh trong thông điệp của họ. Nhờ đó, bên còn lại có khả năng lắng nghe thông điệp này mà ít bị kích hoạt nhất, ít có cảm giác rằng mình đang bị đổ lỗi hoặc chỉ trích nhất.
Hoà giải viên cũng giúp mỗi người tự lắng nghe chính mình. Tôi đang thật sự muốn nói gì với người kia? Khi tôi nổi giận, lo lắng, bất lực, thất vọng, …, khi tôi phán xét mình và người khác, thì những cảm xúc, suy nghĩ đó đang báo hiệu rằng điều gì là rất quan trọng với tôi? Đã bao giờ tôi cho phép chính mình được cảm nhận đầy đủ những gì mà mình đang trải qua, hay tôi đã dành phần lớn sự tập trung của mình vào việc cố gắng sửa chữa vấn đề, sửa chữa người còn lại?
Trong rất nhiều phiên hoà giải, giải pháp nào người kia đưa ra cũng là không đủ, cho tới khi cả hai người, đặc biệt là chính tôi, nhìn nhận được đủ những gì mình đã và đang trải qua. [13] Đôi khi cuộc sống đã không cho tôi cơ hội để thương tiếc cho những điều đã mất – mất nhà, mất tiền, mất lòng tin, mất đi những gì mình đã nỗ lực xây đắp, mất đi thời gian và những cơ hội không thể quay trở lại. [4] Đôi khi tôi đã không biết rằng mình đã chờ rất lâu để được ai đó nhìn thấy – nhìn thấy những gì mình đã và đang chịu đựng, nhìn thấy những điều mình đã hy sinh, nhìn thấy những ước nguyện không thành đằng sau mỗi lần lầm lỡ – mà không coi nhẹ hay phủ nhận chúng.
Ngay cả trong những trường hợp mà bên còn lại không có khả năng đón nhận những thông tin này, thì việc được lắng nghe trực tiếp bởi hoà giải viên, và được chứng kiến gián tiếp với bên còn lại, thường cũng giúp người tham gia bình an hơn với chính mình.

3. Giải quyết mâu thuẫn:
Mọi mâu thuẫn đều có thể được giải quyết ở 4 tầng: Vấn đề cụ thể, Mối quan hệ, Cấu trúc, và Văn hoá. [5] Trong thời lượng giới hạn của một tiến trình hòa giải (thông thường là khoảng 3 buổi, mỗi buổi 2-3 tiếng), thường hoà giải viên sẽ chú trọng giải quyết ở tầng Vấn đề cụ thể. [6] Người tham gia cũng có thể chọn thảo luận về tầng Mối quan hệ và những vấn đề liên quan như cách giao tiếp, cách ra quyết định chung, v.v. Những thông tin ở tầng Cấu trúc và Văn hoá sẽ góp phần bổ trợ cho nội dung của phiên hoà giải, nhưng sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để chuyển hoá hơn rất nhiều.
Giải quyết mâu thuẫn ở tầng Vấn đề cụ thể:
Một mâu thuẫn thường có nhiều vấn đề chồng chéo. Có một số vấn đề cần giải quyết ngay trong lúc những vấn đề dài hạn hơn còn để ngỏ: hoá đơn hay nợ tháng này cần phải trả, trẻ con hay cha mẹ già cuối tuần này cần có người túc trực chăm sóc, hàng bị giam tại cảng thêm ngày nào là lỗ thêm từng đó tiền, … Có một số vấn cần giải quyết trong sự cân nhắc tác động qua lại lẫn nhau của chúng: quyết định cho con đi học trường nào phụ thuộc vào khoản đóng góp thu nhập của cha/ mẹ và ngược lại, quyết định cắt giảm nhân sự phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của công ty và ngược lại, …
Trong một phiên hoà giải, hoà giải viên sẽ hỗ trợ các bên làm rõ những vấn đề cụ thể này và mối quan hệ giữa chúng. [7] Kế đó, các bên sẽ có cơ hội lập ra một khung vấn đề để giải quyết tuần tự từng nút thắt một, thông qua việc ưu tiên hoá vấn đề nào cần giải quyết trước, đơn giản hoá một vài biến số, hoặc phân tích những trường hợp giả định khác nhau, …
Một trong những nhiệm vụ của hoà giải viên là giúp các bên lập ra khung vấn đề trên và bám sát nó, để tránh cuộc thảo luận đi lạc quá xa khỏi những mục tiêu đã thiết lập ban đầu. Một nhiệm vụ nữa chính là thường xuyên cập nhật tiến trình hòa giải dựa trên những thông tin và mong muốn mới được nêu ra. Tiến trình hòa giải, cũng như mọi mối quan hệ, hiếm khi diễn ra theo đường thẳng. Đôi khi cuộc thảo luận phải đi nhiều vòng và đâm vào nhiều ngõ cụt – để một tấm bản đồ thực tế hơn được vẽ ra.
Có một số vấn đề có thể giải quyết nhanh. Một số khác cần giải quyết chậm. Ví dụ, một người đẩy một xe cút kít chở đầy táo trên đường. Anh ta hỏi người bán nước bên đường: “Từ đây ra tới chợ thì mất bao lâu nữa nhỉ?”. Người bán nước nhìn anh rồi trả lời: “Nếu anh đi chậm thì mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Nếu anh đi nhanh thì mất 3 ngày là ít.” [8] Chúng ta đều có lúc là những người đẩy xe, và trên xe không chỉ chất đầy táo mà còn chất cả trứng gà, ly thuỷ tinh, chất dễ cháy nổ, v.v. Đi chậm đôi khi có thể mang lại hiệu quả nhiều hơn là hối hả.
Giải quyết mâu thuẫn ở tầng Mối quan hệ:
Có thể nói, mâu thuẫn bắt đầu được giải quyết khi cả hai bên nhận 100% trách nhiệm với nó. Một-trăm-phần-trăm, không phải năm-mươi-năm-mươi. [1] Khi ta dừng việc truy hỏi xem ai là người đã nổ phát pháo đầu tiên – và thử nhìn thấy vai trò của mình khi đã tiếp tục châm dầu vào lửa, khi ta dừng việc thảy vấn đề ra yêu cầu người kia xử lý – và thử coi vấn đề là một bài toán chung cần nhiều cái đầu hợp sức mới giải ra đáp số, ta có thể thấy lối thoát khỏi những bế tắc của mình.
Ở vai trò của một người thứ ba, tách rời khỏi câu chuyện, hoà giải viên có một vũ khí vô cùng lợi hại. Đó là sự thành thật của chính họ. Khi hoà giải viên nói lên sự ngạc nhiên hay băn khoăn về một lời nói, hành động nào đó xảy ra trong phiên hòa giải, đó có thể là cơ hội giúp các bên nhìn lại cách mà họ đang tương tác với nhau. Trong nhiều mối quan hệ, chúng ta có những kịch bản cũ rích mà cả hai khó lòng nào thoát ra được. Khi một bên khoác lên tấm áo giáp của “Người bảo vệ chính nghĩa, chỉnh đốn những sai trái trong đời”, thì bên kia cũng lập tức coi mình là “Người bị hại vô tội”. Khi một bên tự phân cho mình vai của “Kẻ vô tích sự không bao giờ làm gì đúng”, thì bên còn lại cũng tự động phải vào vai “Người hoàn hảo chưa một lần làm gì sai”. [1]
Những vai diễn này không phải là điều gì sai trái. Chúng giúp ta nhận được sự thương cảm từ người khác và từ bản thân mình. Chúng giúp ta giấu đi những điều xấu xí, đau đớn hơn bên trong. Tuy vậy, chúng ngăn ta được bộc lộ con người thật của chính mình, được tự do lựa chọn sống trọn vẹn những mặt khác nhau của mình, thay vì bị đẩy vào một sự tồn tại phiến diện, méo mó.
Thường gia đình và bạn bè của ta cũng bị cuốn vào những vở diễn này, hoặc cùng tham gia, hoặc thêm mắm dặm muối, để ta tiếp tục diễn tròn vai của mình. Với sự cho phép của các bên, hoà giải viên có thể từ từ rọi sáng những thói quen suy nghĩ và hành xử này, và gợi ý những công cụ giao tiếp mới, những bài tập thực hành nhỏ, để chúng ta được cởi bỏ, được xả bớt những khuôn mẫu mà chúng ta đã gán lên nhau và lên bản thân. [9]
Ví dụ, chúng ta có thể bẻ nhỏ hình tượng kẻ thù của người kia trong lòng mình, bằng cách xác định những lời nói, hành vi cụ thể gây cho mình cảm xúc khó, và tập cùng nhau đề xuất những cách làm khác. Chúng ta có thể phân tách chủ đích và tác động của một hành động, và thử tưởng tượng rằng, dù mình đã phải chịu tác động rất nghiêm trọng, điều đó không đồng nghĩa với việc người kia đã cố ý huỷ hoại đời mình hay đã không thèm quan tâm tới cảm nhận của mình. Chúng ta tập ghi nhận những điều người kia đã và đang làm tốt trong mối quan hệ, và dựa trên đó để thiết kế những quy ước giao tiếp mới lành mạnh hơn. [10]

Giải quyết mâu thuẫn ở tầng Cấu trúc:
Một trong những lý do chính khiến mâu thuẫn bùng nổ và kéo dài là sự thiếu hụt thông tin. Khi các bên không có đủ thông tin chính xác để hiểu đúng về những vấn đề của mình, rất khó để tạo ra một giải pháp đủ để chung sống lâu dài. [2] Phân tích vấn đề ở tầng Cấu trúc cho ta thấy những nguyên nhân ngầm khiến mâu thuẫn xảy ra, và mời gọi ta thu thập thêm thông tin về chúng. Khi ta phân tích cấu trúc, cụ thể ở đây là các cấu trúc xã hội, tức là ta đang lật giở những cách mà một tập thể con người thường ra quyết định. Dù tập thể đó là một gia đình, lớp học, công ty, hội, đoàn, …, con người luôn xây dựng những lưới quan hệ và quy ước để có thể phân bổ nguồn lực, lưu chuyển thông tin, góp ý và tạo ra thay đổi, … [5]
Chúng ta sống trong những lưới quan hệ và quy ước này. Một cặp vợ chồng tranh cãi về chuyện cùng con đi du lịch nước ngoài cần có đủ thông tin về những quy định phòng chống COVID tại công ty của cả hai người và tại trường học của con, cũng như hiểu về áp lực mà mỗi người sẽ chịu nếu họ vắng mặt 3 tuần, đặc biệt là khi một người là trưởng phòng và người còn lại là nhân viên mới. Một giáo viên trường tư có thể gây khó dễ cho đồng nghiệp của mình khi thấy họ được thăng chức còn mình thì không, trong khi lý do cụ thể cho quyết định thăng chức này thì chưa bao giờ được thảo luận rõ ràng.
Việc nhìn mâu thuẫn qua lăng kính cấu trúc giúp ta thấy rằng có thể lỗi không nằm ở một cá nhân nào đó, mà nằm ở hệ thống. Có nhiều hệ thống được tạo ra và duy trì bởi mâu thuẫn – giữa cấp trên và cấp dưới, giữa bộ phận này và bộ phận khác, giữa vai trò này và vai trò khác. Có nhiều cơ hội để chúng ta điều chỉnh lại những hệ thống này, thông qua việc gọi đúng nguyên nhân mâu thuẫn, và làm việc cùng nhau để xây dựng những lưới quan hệ mới, những quy ước mới, giúp đáp ứng các nhu cầu căn bản của con người, và giúp tối đa hoá sự tham gia của mọi người trong những quyết định ảnh hưởng tới cuộc đời của họ. [5]
Giải quyết mâu thuẫn ở tầng Văn hoá:
Giải quyết mâu thuẫn ở tầng Văn hoá mời gọi chúng ta nhìn nhận lại cách ta đang định danh mình và người khác, và rọi sáng những mặc định, thiên kiến và điểm mù của bản thân. Có thể chúng ta luôn nghi ngại một người thuộc một quốc tịch hay tôn giáo nào đó. Có thể những khoảng cách thế hệ, khác biệt giữa nữ và nam và người dị giới, khác biệt giàu-nghèo, …, mang lại cho chúng ta những ưu tiên và giá trị rất khác nhau. Khi chúng ta nhìn rõ rằng những khác biệt này tồn tại, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn cách phản ứng với mâu thuẫn của mình.
Về cơ bản, chúng ta có thể chọn 1 trong 5 cách phản ứng với mâu thuẫn: gây hấn và đè nén, nhường nhịn và quy hàng, trốn tránh và phớt lờ, thỏa hiệp và điều đình, hoặc hợp tác và đối thoại. Những cách phản ứng này đã tạo ra 3 hệ thống cơ bản để giải quyết mâu thuẫn, gồm:
- Áp dụng quyền lực thông qua gây hấn, nhường nhịn và trốn tránh
- Khẳng định quyền lợi thông qua thỏa hiệp
- Đáp ứng mong muốn thông qua hợp tác và đối thoại [12]
Khi nhìn mâu thuẫn ở tầng Văn hoá, chúng ta thường khó có thể tưởng tượng rằng, những người quá khác biệt có thể hợp tác và đối thoại với nhau. Cái giá chính của việc đáp ứng mong muốn thông qua hợp tác và đối thoại là thời gian để làm việc cùng nhau. Cái giá này là nhỏ khi so sánh với những cách giải quyết khác, vốn thường dẫn đến sự oán giận, phản kháng, hành vi hiếu chiến thụ động, quan liêu, tham nhũng và lạm dụng, v.v. [1]
Hoà giải, cùng với các phương pháp đối thoại khác, có thể cải thiện không chỉ về mặt lợi ích vật chất cho các bên, mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân và tập thể trưởng thành hơn trong cách giao tiếp và ra quyết định.
Tài liệu tham khảo
[1] Cloke, K. (2002). Mediating dangerously: The frontiers of conflict resolution. John Wiley & Sons.
[2] SEEDS (Services that Encourage Effective Dialogue and Solutions) Community Resolution Center. (2019). What to Expect at Mediation.
[3] Conklin, C. and Linnea, A. (2016). Understanding Energetics in Circles and Groups. The Circle Way Foundation. (https://www.thecircleway.net/booklets)
[4] Weller, F. (2015). The wild edge of sorrow: Rituals of renewal and the sacred work of grief. North Atlantic Books.
[5] Lederach, J. (2015). Little book of conflict transformation: Clear articulation of the guiding principles by a pioneer in the field. Simon and Schuster.
[6] SEEDS (Services that Encourage Effective Dialogue and Solutions) Community Resolution Center. (2019). Community Mediation Process.
[7] Docherty, J. S. and Lantz-Simmons, M. (2016). A Genealogy of Ideas, Journal 2. Conflict Analysis: Tools for Asking Better Questions. The Center for Justice and Peacebuilding, Eastern Mennonnite University.
[8] Peter, S. (1990). The fifth discipline. The Art & Practice of Learning Organization. Currency/ Doupleday, New York.
[9] Manske, J. (2022). Pathways to Nonviolent Communication: A Tool for Navigating Your Journey. The Center for Nonviolent Communication.
[10] Kashtan, M. (2021). The Highest Common Denominator: Using Convergent Facilitation to Reach Breakthrough Collaborative Decisions.
[11] Công cụ Phân tích cơ chế Xung đột TKI (Thomas-Kilmann Conflict Mode Instrument). Nguồn: beyondintractability.org.
[12] Ury, W. L., Brett, J., & Goldberg, S. (1993). Getting disputes resolved (p. 1988). Cambridge, MA: PON Books.
[13] Furlong, G. T. (2020). The conflict resolution toolbox: Models and maps for analyzing, diagnosing, and resolving conflict. John Wiley & Sons.