10 Giả định Căn bản của Giao Tiếp Trắc Ẩn

Mỗi người chúng ta đều có những giả định về bản chất của con người. Những giả định này thay đổi qua thời gian. Chúng định hình cách chúng ta tương tác với chính mình và người khác, định hình những cấu trúc xã hội mà chúng ta tạo ra, định hình kỳ vọng của chúng ta về điều gì là có thể và không thể.

Dưới đây là 10 giả định nền tảng của thực hành Giao Tiếp Trắc Ẩn (hay còn gọi là Giao Tiếp Phi Bạo Lực/ Nonviolent Communication). Bạn có thể đã bắt gặp chúng ở nhiều nơi khác. Giao Tiếp Trắc Ẩn cho chúng ta những công cụ cụ thể và quyền năng để áp dụng chúng vào thực tiễn. Khi chúng ta sống dựa trên những giả định này, việc tự kết nối và kết nối với những người khác trở nên khả thi và dễ dàng hơn.

1. Mọi con người đều có những nhu cầu giống nhau:

Tận đáy lòng, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu giống nhau, dù trên bề mặt thì những cách thức để thỏa mãn các nhu cầu này có khác biệt. Mâu thuẫn xảy ra ở tầng cách thức, không phải ở tầng nhu cầu.

2. Tất cả hành động của con người là để đáp ứng nhu cầu:

Mọi hành động của con người là để đáp ứng một nhu cầu nào đó, dù là có ý thức hay vô thức. Chúng ta chỉ sử dụng bạo lực hoặc những hành động mà không thể thỏa mãn nhu cầu của chính mình hay của người khác khi chúng ta không biết có một cách nào tốt hơn.

3. Cảm xúc là dấu hiệu cho chúng ta biết nhu cầu có đang được thỏa mãn hay không:

Cảm xúc có thể được kích thích, nhưng không thể được gây ra bởi bất kỳ ai khác ngoài chính chúng ta. Cảm xúc của chúng ta xuất hiện từ việc chúng ta cảm nhận rằng nhu cầu của mình có đang được thỏa mãn hay không. Việc đánh giá xem nhu cầu của mình có đang được thỏa mãn hay không này gần như luôn luôn có sự tham gia của một niềm tin hay một sự diễn dịch nào đó. Khi nhu cầu được thỏa mãn, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện, bình an, v.v. Khi nhu cầu không được thỏa mãn, chúng ta cảm thấy buồn, sợ, bực bội, v.v.

4. Con đường đi tới bình an trực tiếp nhất chính là thông qua kết nối với bản thân:

Dung tích bình an trong lòng ta không phụ thuộc vào việc các nhu cầu có được đáp ứng hay không. Ngay cả khi nhiều nhu cầu đang không được đáp ứng, chỉ cần chúng ta có thể đáp ứng được một nhu cầu là kết nối với bản thân là đủ để có bình an nội tại.

5. Sự lựa chọn nằm ở bên trong:

Dù hoàn cảnh có ra sao, chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu tự chủ bằng cách lựa chọn một cách có ý thức dựa trên sự nhận biết về nhu cầu.

6. Tất cả con người có khả năng trắc ẩn:

Tất cả chúng ta đều có một khả năng trắc ẩn bẩm sinh, dù không phải lúc nào chúng ta cũng biết cách để tiếp cận khả năng này. Khi chúng ta được đối đãi với lòng trắc ẩn và được tôn trọng nhu cầu tự chủ của chính mình, chúng ta thường dễ dàng tiếp cận được lòng trắc ẩn cho bản thân và người khác. Khi lòng trắc ẩn lớn lên, khả năng đáp ứng nhu cầu một cách hài hoà cũng lớn lên.

7. Con người thích cho đi:

Tất cả chúng ta bẩm sinh thích được đóng góp cho hạnh phúc của người khác. Điều này xảy ra khi chúng ta có thể kết nối với nhu cầu của bản thân và đối phương, đồng thời cảm nhận được rằng mình đang lựa chọn cho đi.

8. Con người đáp ứng được nhu cầu qua các mối quan hệ tương hỗ:

Chúng ta đáp ứng nhiều nhu cầu của mình thông qua các mối quan hệ với người khác và với thiên nhiên, mặc dù một số nhu cầu sẽ được đáp ứng chủ yếu thông qua chất lượng của sự kết nối tự thân và đối với một số người khác là đời sống tâm linh. Khi nhu cầu của người khác không được đáp ứng, một số nhu cầu của chúng ta cũng sẽ không được thỏa mãn.

9. Thế giới của chúng ta có dồi dào nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu:

Khi loài người cam kết với việc trân trọng nhu cầu của tất cả, và đã học lại các kỹ năng nuôi dưỡng mối quan hệ và phát huy trí sáng tạo về các cách chia sẻ nguồn lực, chúng ta có thể vượt qua khủng hoảng của óc tưởng tượng và tìm được các cách mới để đáp ứng nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người.

10. Con người thay đổi:

Nhu cầu và cách thức để đáp ứng nhu cầu thay đổi qua thời gian. Dù chúng ta có đang ở đâu trong thời điểm hiện tại, mỗi cá nhân và mỗi tập thể đều có khả năng phát triển và thay đổi.

Nguồn: https://baynvc.org/key-assumptions-and-intentions-of-nvc/

%d người thích bài này: