Giao tiếp Trắc ẩn với em bé sơ sinh của tui

Một trong những điều khi mang thai Cá mà mình đã suy nghĩ, đó là nếu mình tin vào thuyết Nhu cầu của bác Marshall, thì liệu sản phẩm lý thuyết của người lớn này sẽ có thật áp dụng được với một sinh vật như nhiên là một em bé sơ sinh?

Lúc mang thai bé, mình tìm kiếm khắp các mặt trận phương pháp nuôi con, những điều cần biết, những điều được đặc tít là “5 ĐIỀU TUYỆT ĐỐI BA MẸ NÀO CŨNG CẦN BIẾT KHI CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH” “6 KIỂU KHÓC CỦA TRẺ SƠ SINH BA MẸ ĐÃ BIẾT CHƯA’’ “BA MẸ KHÔNG ĐƯỢC LÀM ĐIỀU NÀY VỚI TRẺ DƯỚI 3 THÁNG TUỔI”… và những vi déo ngắn 15s được đề xuất trên instagram và facebook về sự nghiệp làm cha mẹ. Tương lai vô định hết sức cho tui, và choáng váng đến mức có lúc tui đã nghĩ cuộc viễn chinh này khó hơn lấy hơn lấy một chiếc bằng cấp chứng chỉ nào đó. Mà liệu, mình có là một người mẹ-đủ-tốt, à, không, quản lý kì vọng tí người mẹ không-quá-tệ?

Em bé sinh ra, mẹ-bà-ngoại xuất hiện để chống lưng bằng tất cả kinh nghiệm đã nuôi và hiểu anh em mình. Mẹ có những phát ngôn phá tan lý thuyết:

“Con nít mà, không đứa nào giống đứa nào đâu!”

“Con nít mà, mỗi ngày nó mỗi khác”

Rồi mẹ, với tư cách một senior-executive có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ từ huấn luyện cho một junior-là mình với một phương châm căn bản: “Mỗi ngày mình học thêm một điều từ nó, mà chưa chắc ngày mai nó vẫn giống vậy. Haha” (Ủa, mẹ :)))

Người ta đồn đại rằng trẻ sơ sinh có bộ nhu cầu rất đơn giản: nhu cầu sinh tồn. Phương tiện: ăn, ngủ, không khó chịu, không đau.

Tụi mình giao tiếp với nhau với cái gợi ý như vậy, mỗi ngày, mỗi ngày.

Em bé không dùng tiếng Anh, cũng không tiếng Việt.

Em bé nói là “Oa oa oa”, mình đề nghị cái gì đó, em bé sẽ truyền thông lại với mình bằng “Ô kê má” bằng cách nín khóc, hoặc “Hong má” bằng cách khóc tiếp, Hoặc “yes, and… má ơi!” bằng cách nín khóc 15s rồi khóc tiếp (dấu hiệu này cũng có thể hiểu là “cái này cũng dễ chịu ủa nhưng mà quên mất con cần cái khác để con ré tiếp má nghe).

Cuộc hội thoại của chúng tôi thường như thế này:

  • Oa oa oa
  • Để mẹ kiểm tra tả xem có ướt không nha, thay tả nè…
  • Oa oa oa
  • Ủa, hay đói? – Anh ơi, đem em bình sữa! – Mình quay qua chồng.
  • hmmmm… óa óa óa…
  • Ủa hong đói, ti mẹ hả con (cả vú lắp miệng em)
  • hức hức….

Bạ ngoại từ bếp gợi ý “Hay nóng quá, bữa nay trời hầm quá nè, lau mình cho em cái cho nó dễ ngủ!”

Vân vân, cả gia đình kiên nhẫn đề xuất, chờ đợi câu trả lời xác tín của em bé liệu rằng phương tiện này có đáp ứng nhu cầu nọ của ẻm không.

Thi thoảng ẻm cần một cái ôm, nhưng mẹ bất thành trong việc đáp ứng, chuyền tay qua ba hoặc bà ngoại thì ẻm im bặt. Bài học rút ra là khi ở dạng phương tiện, thì mình có thể thay đổi chỗ “Who” là ra một đề xuất mới.

Vì sao mình lại kiên nhẫn đến thế khi bị nói “KHÔNG” thiệt nhiều lần trong ngày với con người này?

Vì sao mình lại không tức giận với một người hỏi mãi chẳng chịu trả lời rõ ràng là họ muốn gì?

Vì sao mình có thể làm điều này cho Cá, mà lại đòi hỏi rất nhiều ở người lớn – dù người lớn quanh mình có khi còn nhiều khó khăn hơn Cá trong việc lên tiếng cho nhu cầu của họ. Và mình bỏ cuộc sau 1 đề xuất đầu tiên kể cả khi mình tuyên thệ họ là người mình yêu thương.

Đến giờ phút này, khi Cá được 40 ngày (như 40 ngày intensive training), mình cũng không chắc lý thuyết xám có áp dụng được cho cái cây xanh này không. Chỉ đoán là hình như, có thể, chính bọn không răng mới là sư phụ của môn này, giống như bọn mèo là sư phụ môn yoga.

À, chí ít đến đây, mình đã tự tin hơn để làm một người mẹ dở ẹt và xin em bé chỉ giáo thêm, dù ngày ngày vẫn google đủ loại kiến thức, mình vẫn đem theo lời dặn dò của senior-executive của mình về tính độc đáo của mỗi con người, trong dáng dấp của một em bé sơ sinh khó chìu – dễ chill.

30.01.2023

Mẹ Cá, và vẫn là May.

%d người thích bài này: