ĐIỂM DANH HƯƠU SÓI TRONG PHIM NHÀ BÀ NỮ

Tại vòng tròn “Biết Hươu, biết Sói và biết mình” cuối tuần rồi, gần 90 bạn hữu Hươu Sói đã học cách thấu hiểu ngôn ngữ của hai linh vật này qua màn thử tài hóa thân. Bước đầu, chúng ta nhận diện Sói và Hươu thông qua ngôn từ. Hươu nói lời thấu cảm, Sói nói lời chỉ trích.

Trong thực tế, câu chuyện thường phức tạp hơn. Có khi câu trước là Hươu, câu sau đã Sói. Có khi bên ngoài thì đắng mà bên trong lại ngọt.

Giao tiếp Trắc ẩn là sự kết hợp giữa ngôn ngữ và tư duy. Ở mặt ngôn ngữ, chúng ta làm quen với cách nói chuyện của Hươu – thành thật hơn cho mình và dễ nghe hơn cho người, thay vì dùng những câu phán xét, đòi hỏi của Sói. Ở mặt tư duy, chúng ta tập giảm bớt thói quen tư duy thắng thua, đúng sai của Sói, để tập nhìn sự việc từ nhiều góc độ hơn như Hươu. Trên hết, chúng ta tăng cường khả năng lựa chọn phản hồi của mình, thay vì phản ứng theo quán tính.

Hôm nay, hãy cùng GTTA điểm danh một số lời thoại của phim Nhà Bà Nữ, tiêu biểu cho 4 lựa chọn phản hồi trong Giao tiếp Trắc ẩn:

1️⃣ Chỉ trích người khác

2️⃣ Chỉ trích chính mình

3️⃣ Thấu cảm với mình

4️⃣ Thấu cảm với người khác

Lựa chọn 1: Sói Ra – Chỉ trích người khác

Xuyên suốt bộ phim, bố của John nhận nhiệm vụ “đổ dầu vào lửa”. Xu hướng giao tiếp Sói Ra được thể hiện rõ rệt nhất qua những kiểu lời thoại đa dạng gồm:

Đánh giá người khác: “Thằng mất dạy!”

Đẩy trách nhiệm cho người khác: “Tất cả là do mày.”

Đòi hỏi và đe doạ người khác: “Bà gọi điện thoại cho nó thì bà đừng nhìn mặt tôi nữa.”

Coi nhẹ trải nghiệm của người khác: “Mày không có tư cách thương lượng với tao.”

John, Nhi và Nhuận đều có mong muốn được bày tỏ điều gì là quan trọng với mình. Trùng hợp thay, cả bố của John, mẹ của Nhi và vợ của Nhuận đều từ chối lắng nghe với lý do người kia “không đủ tư cách”. Nếu chúng ta nhìn thấy những áp lực mà các nhân vật ở thế thượng phong này đang gồng gánh – áp lực về cơm áo gạo tiền, áp lực phải bảo vệ thanh danh hay sự ổn định của gia đình, chúng ta có thể hiểu vì sao việc lắng nghe người con hay người chồng của mình lại khó khăn đến vậy. Khó khăn còn chồng chất thêm khi chúng ta có quá ít cơ hội để thắng lại giữa cái trớn của cơn giận. Và kết quả là chúng ta “quên đi những tử tế cơ bản phải dành cho nhau”.

Lựa chọn 2: Sói Vào – Chỉ trích mình

Năng lực số 19 trong số 28 năng lực của Giao Tiếp Trắc Ẩn có tên “Hối tiếc một cách có ích”. Ai trong chúng ta cũng có khả năng làm những điều khiến mình hối tiếc về sau. Một chú Hươu sẽ không dừng lại ở việc dằn vặt mình vì hành động trong quá khứ, mà sẽ chủ động tìm những cách tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của các bên. Ngược lại, trong thế giới của Sói, bắt buộc phải có kẻ đúng – người sai. Nếu không thể Sói Ra bắt người khác nhận lỗi sai của họ, thì chỉ còn một lựa chọn duy nhất là Sói Vào – chỉ trích chính mình. Bà Nữ là một nhân vật Sói hảo hạng khi liên tục áp dụng tư duy đúng-sai này lên mình và người khác.

“Bộ tao đối xử tệ với mày lắm hả?”

“OK mày thành công rồi. Tao đang trải nghiệm thất bại nè. Nuôi con hai mươi mấy năm trời giờ nó chửa hoang như vầy nè. Tao thất bại rồi.”

“Tui làm gì sai mà ông đối xử với mẹ con tôi như vậy?”

Có thể, trong một khoảnh khắc nào đó, khi nghĩ rằng mình đã tệ, đã sai, đã thất bại, bà Nữ sẽ có những biểu hiện đặc trưng của chiếc ghế Sói Vào như: chán ghét chính mình, dán nhãn cho bản thân rằng mình là người mẹ tồi, mình bị như thế này là đáng, mình có cố gắng nữa thì cũng chỉ như vậy thôi, v.v. 

Trong bộ phim, chúng ta đa phần chỉ thấy bà Nữ sử dụng những câu thoại “Sói Vào” ở trên cho mục đích “Sói Ra”. Bà chỉ trích mình với mục đích làm người khác thấy khổ sở. Nhi cũng làm điều tương tự khi nói với John: “Tui ngu thì tui chịu. Tui hối hận khi tui tin một thằng tồi như anh có thể mang tới cho tui hạnh phúc.” 

Cách nói chuyện này không cho đối phương lối thoát. Chính vì ta biết rằng đối phương sẽ đau khi ta đau, nên ta bắt họ lựa chọn: hoặc là bỏ mặc nỗi đau của họ để tránh làm tổn thương ta, hoặc là bỏ mặc ta để lo cho nỗi đau của họ.

Lựa chọn 3: Hươu Vào – Thấu cảm cho mình

Trong các nhân vật của bộ phim, Nhuận là vai có khả năng bày tỏ nỗi lòng mình bằng ngôn từ chính xác và ít có xu hướng đổ lỗi cho người khác nhất. Điều này thể hiện qua những câu thoại như:

“Tự nhiên tao giúp mày xong giờ tao áy náy luôn đó!”

“Má với ngoại cho con ly dị đi, chứ con cũng mệt rồi.”

“Sống với nó tao cảm thấy tao còn là thằng đàn ông.”

Lúc Nhi sắp bỏ nhà đi, Nhuận can: “Bình tĩnh lại coi, đi bụi mà sung quá! Tự nhiên tao giúp mày xong giờ tao áy náy luôn đó!”. “Áy náy”, vì khi giúp Nhi đi chơi với John, cái Nhuận muốn là Nhi được hạnh phúc, chứ không phải khổ sở tới mức không còn nhà để ở. Đặc biệt, Nhuận đã không bắt Nhi chịu trách nhiệm cho cảm giác áy náy của mình bằng những câu như “Mày mà đi là tao bị chửi tiếp cho coi” hoặc “Mày không nghĩ cho má thì phải nghĩ cho tao chứ”. Tuy Nhi không thay đổi quyết định của mình, nhưng cách bày tỏ của Nhuận cũng đã không đẩy Nhi ra xa hơn.

Khi vợ hỏi “Con đó có gì hơn tao mà mày đối xử với tao như vậy?”, Nhuận đã ngồi rất vững chắc trên chiếc ghế Hươu Vào. Thay vì lặp lại sai lầm của chồng bà Nữ, tức chỉ trích vợ bằng những câu như “Bà là con đàn bà cay nghiệt!”, Nhuận một lần nữa từ chối đổ lỗi hết lên người khác khi trả lời: “Sống với nó tao cảm thấy tao còn là thằng đàn ông.” Bằng cả lời nói lẫn biểu cảm khuôn mặt, Nhuận bày tỏ được cảm giác mệt mỏi, đè nén khi sống trong một căn nhà nơi mình “phấn đấu bao nhiêu cũng không đủ”. Nhuận nói lên được tiếng lòng của những người đàn ông bị dán cái nhãn là “vô dụng”, “sĩ diện” mà không cần dùng đến cả bạo lực thể xác lẫn ngôn từ.

Lựa chọn 4: Hươu Ra – Thấu cảm cho người

Là nhân vật dẫn truyện, Nhi có khả năng hiểu được góc nhìn của những nhân vật khác. Điều này thể hiện qua những câu thoại như:

“Em biết anh đi nhậu là để vui vẻ một chút với bạn bè thôi đúng không?”

“Con biết mẹ làm cho con nhiều chứ …”

“Anh stress vì công việc, tui có thấy.”

Tuy vậy, trong các trường hợp trên, Nhi đều không ngồi trên chiếc ghế của Hươu Ra được lâu.

Sau khi thấu cảm cho nhu cầu “vui vẻ với bạn bè” của người anh trai, Nhi nói thêm “Nhưng chị hai có vẻ khắt khe với anh quá nhỉ?”. Thông thường, cách dễ nhất để thể hiện rằng mình “cùng phe” với ai đó là cùng nhau nói xấu một kẻ thù chung. Ở đây, kẻ thù là “chị hai”. Thay vì nói rằng chị hai khắt khe, Nhi có thể tiếp tục thấu cảm cho anh trai bằng cách hỏi “Anh chắc cũng không muốn căng thẳng thêm nữa với chị hai đúng không?”. Câu hỏi này sẽ tiếp tục thấu cảm cho nhu cầu của người anh – được vui vẻ với bạn bè mà vẫn giữ hoà khí trong nhà – mà không biến chị hai thành kẻ xấu.

Trong phân cảnh nói chuyện với mẹ, trước khi nói câu “Con biết mẹ làm cho con nhiều chứ …”, Nhi đã dừng một lúc, mỉm cười và đặt tay lên đầu gối bà Nữ. Những cử chỉ không lời này báo hiệu rằng những gì bà Nữ làm có ý nghĩa với Nhi. Có thể Nhi hiểu được rằng bà làm vậy vì muốn đóng góp cho tương lai của con mình. Nếu được thoát khỏi vai diễn, nếu những ấm ức trong lòng không đầy tới vậy, Nhi có thể tiếp tục Hươu Ra, tức lắng nghe thấu cảm cho những cảm xúc, nhu cầu của mẹ. Bộ phim diễn tả một trường hợp thực tế hơn bằng cách cho Nhi chuyển sang chiếc ghế Hươu Vào, tức nói lên cảm xúc, nhu cầu của chính mình. “Con biết mẹ làm cho con nhiều chứ … nhưng mà cái con cần sao mẹ không làm? Con cần được sống như một người bình thường, làm những điều mình thích, học cái nghề mình muốn.”

Tương tự, khi mâu thuẫn với John, Nhi dành một ít thời gian để hiểu cho người yêu: “Anh stress vì công việc, tui có thấy.” Tám chữ này xuất hiện trong một câu thoại dài mà chủ yếu là Nhi bày tỏ những suy nghĩ của bản thân: “Trong mắt anh lúc nào tui cũng là đứa kiếm chuyện, nhưng những điều nhõng nhẽo này đứa con gái nào cũng làm, chỉ muốn người đàn ông của mình quan tâm một xíu thôi. Anh stress vì công việc, tui có thấy. Nhưng tui đang mang bầu mà. Hóc-môn trong người tui thay đổi, tui dễ tủi thân lắm. Nhưng điều đó anh hổng thấy.” 

Khi Nhi cho John thấy sự mong manh của mình, mâu thuẫn bắt đầu hạ nhiệt. Câu chuyện có thể đã khác, nếu Nhi quay lại với chiếc ghế Hươu Ra và mở lòng với lời xin lỗi cùng cử chỉ chăm sóc cho vết thương trên chân Nhi của John. Nhi đã không làm vậy.

%d người thích bài này: