Ở góc độ đấu tranh xã hội, có 3 tiền đề rất quan trọng trong Giao Tiếp Trắc Ẩn (GTTA) là:
– Mọi hành vi đều nhằm đáp ứng 1 nhu cầu nào đó (vô thức hay ý thức), những nhu cầu phổ quát này đều chính đáng.
– Con người chỉ sử dụng bạo lực vì họ không nhìn thấy 1 cách tốt đẹp hơn để đáp ứng nhu cầu của mình.
– Những chỉ trích, dán nhãn, giận dữ là sự bày tỏ kịch tính của nhu cầu chưa được đáp ứng ở người đang phát ngôn.
Vậy GTTA có thể giúp gì trong đấu tranh xã hội:
1. Nhìn sâu và thấu hiểu tính nhân bản bên dưới những hành động “trái ngang” hiện nay là gì? Khi nhìn ra tính thiện bên trong những người đó, mới có cơ may để đối thoại với họ mà không phải dùng tới bạo lực để áp đảo bất công.
2. Những người đang chịu những định kiến, dán nhãn của xã hội hay người khác nói chung có thể chuyển hóa góc nhìn về định kiến, về người đưa định kiến và về chính mình. Giống như trường hợp của Rain Dove, anh chuyển hóa sự thóa mạ của một người mẹ thành sự đón nhận, hợp tác thay vì chỉ trích hay trả đũa bà. Anh không đề cập gì đến nhân phẩm, nhân quyền gì cả. Khi có tình yêu sẽ có nhân phẩm và nhân quyền.
Các bước anh thực hiện bao gồm:
1. Chạm vào cảm xúc của người mẹ
2. Nói lên ý định tốt đẹp (nhu cầu) của người mẹ.
3. Đưa lời khuyên bổ ích (đề nghị)
Tất cả sự chuyển hóa này dựa vào lòng trắc ẩn. Mỗi người có những cách để gia tăng lòng trắc ẩn khác nhau, GTTA chỉ là 1 trong số đó mà thôi.