Hòa giải là gì?
Hòa giải là phương thức để các bên tự nguyện thương lượng với nhau trong sự hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện của bên thứ ba trung gian nhằm giải quyết mâu thuẫn và đi đến thỏa thuận. Hòa giải viên giúp các bên đang có mâu thuẫn có thể:
- Giao tiếp hiệu quả hơn và thấu hiểu nhau sâu hơn
- Nhận rõ những vấn đề chung và nhu cầu của mỗi bên
- Đề xuất những giải pháp sáng tạo
- Thương lượng một thỏa thuận có thể chăm sóc được lợi ích lâu dài của tất cả các bên
Tại Việt Nam, thỏa thuận hòa giải không được Tòa án công nhận, trừ khi các bên đáp ứng đủ các điều kiện thuộc Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Chương XXXIII, từ Điều 416 đến Điều 419 [1].
Lợi ích của hòa giải
Hòa giải có những ưu điểm nổi bật sau:
- Phục hồi: Hòa giải tôn trọng các mối quan hệ của bạn, và giúp cải thiện chất lượng giao tiếp và thấu hiểu.
- Hiệu quả: 75-80% trường hợp kết thúc với một thỏa thuận thỏa đáng cho tất cả các bên. [2]
- Bảo mật: Mọi thông tin được chia sẻ trong phiên hòa giải không thể được tiết lộ ra ngoài hoặc sử dụng tại tòa án mà không có sự cho phép của bạn [3].
- Tự nguyện: Hòa giải tôn trọng quyền tự định đoạt, tính chủ động, sự hợp tác tự nguyện và thiện chí của các bên.
- Linh hoạt: Kết quả hòa giải không chỉ giới hạn ở việc giải quyết các tranh chấp trong quá khứ, mà còn tính đến lợi ích lâu dài của các bên, cùng các tác động xã hội, tâm lý xung quanh mâu thuẫn. [4]
Hòa giải ứng dụng Giao tiếp trắc ẩn
Khi tiếp cận một mâu thuẫn hay xung đột, phương pháp hòa giải ứng dụng Giao tiếp trắc ẩn trao quyền cho tất cả các bên để họ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của mình. Quá trình hòa giải hỗ trợ các bên lắng nghe thấu cảm cho nhau, nhìn nhận những điểm chung và nhu cầu của mỗi bên. Thông qua đó, các bên cải thiện khả năng tự giải quyết mâu thuẫn của chính mình, cùng đề xuất các giải pháp mới, và có cơ hội không chỉ duy trì mà còn phục hồi và phát triển mối quan hệ với nhau.
Một số ví dụ về các hình thức mâu thuẫn mà Hòa giải ứng dụng Giao tiếp trắc ẩn có thể hỗ trợ:
Mâu thuẫn trong Gia đình/ Mối quan hệ:
- Giao tiếp khó khăn giữa phụ huynh và con em
- Mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm, bạn bè
- Mâu thuẫn trong hôn nhân, ly dị
- Tranh chấp giữa anh chị em, họ hàng …
- Chăm sóc người cao tuổi
Mâu thuẫn tại Nơi ở/ Nơi làm việc:
- Mâu thuẫn do ở ghép, thuê chung phòng
- Mâu thuẫn về khả năng đáp ứng điều khoản cho thuê nhà (nội quy, tiền cọc, …)
- Bắt nạt tại trường học
- Tranh chấp với hàng xóm (tiếng ồn, thú nuôi, xây sửa nhà …)
- Mâu thuẫn với đồng nghiệp
- Bất hòa giữa các thành viên trong dự án có lợi nhuận/ phi lợi nhuận
Chúng tôi không thể tiếp nhận các trường hợp có liên quan đến tội phạm (theo Bộ luật Hình sự) bạo lực gia đình, đang chịu biện pháp cấm tiếp xúc hoặc đang chịu các mối đe dọa về thể chất. Chúng tôi cũng không thể hỗ trợ pháp lý cho các thủ tục ly hôn và cấp dưỡng sau ly hôn.
Quá trình Hòa giải
Quá trình hòa giải chỉ có thể tiến hành nếu tất cả các bên đều có thể liên lạc được, và tự nguyện tham gia hòa giải.
Nếu bạn có một tình huống mâu thuẫn và muốn tiến hành hòa giải, mời bạn và (các) bên liên quan cùng điền đầy đủ thông tin vào đơn này: https://forms.gle/uFRjDnfm74RHKNEq6
- Sau khi nhận thông tin đầy đủ từ các bên, chúng tôi sẽ liên hệ với từng bên để xác nhận trường hợp cần hòa giải và hẹn ngày tham gia phiên hòa giải. Quá trình này có thể mất từ 2-3 tuần.
- Một phiên hòa giải thường diễn ra trong 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ. Thời lượng cụ thể và thời gian giải lao phù hợp sẽ được thỏa thuận cùng hòa giải viên trước ngày hẹn. Do tình hình dịch COVID hiện tại, phiên hòa giải sẽ diễn ra trên Zoom.
- Nếu mâu thuẫn không được giải quyết trong phiên hòa giải đầu tiên, chúng tôi có thể cung cấp tối đa thêm hai phiên hòa giải nữa.
Quá trình hòa giải là hoàn toàn tự nguyện và bảo mật:
- Mọi thông tin được chia sẻ trong các phiên hoà giải không thể được đem ra làm bằng chứng trước toà (trừ trường hợp có xâm phạm về thể xác & gây nguy hiểm cho tính mạng con người).
- Mọi thông tin được chia sẻ trong các phiên hoà giải không thể được chia sẻ lại cho bên thứ ba không có mặt tại phiên hòa giải, trừ trường hợp điều này được tất cả các bên có mặt đồng thuận bằng văn bản.
- Hòa giải viên có thể ghi chú trong buổi nói chuyện. Tất cả những ghi chú về nội dung mâu thuẫn sẽ bị tiêu hủy sau khi kết thúc phiên hòa giải để đảm bảo tính bảo mật cho các bên.
Một buổi hòa giải thường bao gồm các bước sau:
- Hướng dẫn về quy trình hòa giải và các cam kết chung
- Nói chuyện với hòa giải viên
- Nói chuyện với nhau
- Đề xuất các giải pháp
- Viết văn bản thỏa thuận
- Tổng kết phiên hòa giải
- Một tháng sau phiên hòa giải cuối cùng, hòa giải viên sẽ liên lạc với các bên để khảo sát tình hình thực hiện thỏa thuận.
Kết quả của một phiên hòa giải có thể rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Hai bên đạt được một thỏa thuận chung
- Hai bên đồng ý cơ bản về một số điều (ví dụ: đồng ý sẽ tiếp tục tự thảo luận thêm về 1-2 khúc mắc tồn đọng)
- Hai bên chưa tìm được hướng giải quyết mâu thuẫn
*Nếu mâu thuẫn không được giải quyết trong phiên hòa giải đầu tiên, tùy vào trường hợp và nhu cầu của các bên, chúng tôi có thể mời bạn tham gia tối đa thêm hai phiên hòa giải nữa.
Vai trò của Hòa giải viên
“… các mâu thuẫn đã bị tước đi khỏi các bên liên quan trực tiếp, và do đó chúng biến mất, hoặc trở thành tài sản của người khác. Dù là trường hợp nào thì kết quả đều tệ hại cả. Các mâu thuẫn của chúng ta cần phải được dùng đến, chứ không phải là bị bỏ mặc cho xói mòn. Mâu thuẫn cần phải được sử dụng, và trở nên hữu ích, cho những người ngay từ đầu đã ở trong cái mâu thuẫn đó.”
– Christie, Nils. “Mâu thuẫn như là tài sản.” *Tạp chí ngành Tội phạm học nước Anh* 17.1 (1977): 1-15.
Vai trò của hòa giải viên là giúp các bên thảo luận về mối quan tâm của mình và lắng nghe lẫn nhau. Trong một không gian an toàn với những hướng dẫn rành mạch, các bên sẽ được hỗ trợ để làm rõ nhu cầu của mình.
Hòa giải viên giữ vị trí trung lập, không đứng về phía nào, và cũng không phân xử ai đúng, ai sai. Hòa giải viên sẽ không đưa ra lời khuyên, dù là lời khuyên pháp lý hay bất kỳ một gợi ý giải pháp nào. Chúng tôi tin rằng, mâu thuẫn là tài sản của các bên tham gia. Mọi giải pháp cho mâu thuẫn đó cần được chính các chủ nhân của mâu thuẫn đó nghĩ ra, phát triển và đồng thuận.
Trong một phiên hòa giải có thể có từ 1-3 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên của Giao Tiếp Trắc Ẩn bao gồm: Nguyễn Hoàng Minh Khang, Nguyễn Vân Trang và Nguyễn Trương Bảo Khuyên. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các hòa giải viên tại đây.
Chương trình Nghe nhau có ‘trợ tim’ – Hòa giải miễn phí dành cho cộng đồng
Ở Việt Nam, hòa giải ứng dụng Giao tiếp trắc ẩn có thể là một thực hành chưa phổ biến. Thông qua chuỗi 10 buổi Nghe nhau có “trợ tim” cùng 2 vòng tròn Thực hành Hòa giải, chúng tôi mong nhiều người hơn có thể biết đến cách tiếp cận mâu thuẫn bằng Giao tiếp trắc ẩn. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết phía dưới đây: